Huyện Ðiện Biên chủ động phòng, chống rét cho gia súc

09:31 - Thứ Hai, 21/01/2019 Lượt xem: 8801 In bài viết

ĐBP - Huyện Ðiện Biên hiện có tổng đàn gia súc hơn 110.000 con, chiếm khoảng 30% tổng đàn gia súc trên địa bàn tỉnh. Ðợt rét đậm, rét hại năm 2018 đã làm chết hơn 410 con trâu, bò, dê trên địa bàn huyện, tập trung tại những xã vùng ngoài như: Nà Tấu, Nà Nhạn, Mường Phăng, Pu Luông… ước thiệt hại khoảng 1,8 tỷ đồng. Rút kinh nghiệm trong năm nay nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người dân, ngay từ đầu mùa rét ngành Nông nghiệp, các cơ quan chuyên môn huyện Ðiện Biên đã thành lập đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị phòng chống đói, rét trên địa bàn, nhất là tại tại các xã vùng ngoài. Ðồng thời phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền các xã tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về phòng chống rét cho vật nuôi.

 

Ông Lò Văn Bình, bản Nậm Hẹ 1, xã Hẹ Muông chăm sóc đàn gia súc.

Thời gian qua, khi có thông tin dự báo về tình hình, diễn biến không khí lạnh ảnh hưởng đến địa bàn, cơ quan chuyên môn của huyện đã tập trung nhiều giải pháp. Trong đó đặc biệt chú trọng tăng cường cán bộ phụ trách công tác phòng chống rét cho từng xã, đến từng thôn, bản, đội nhắc nhở người dân ký cam kết về việc chủ động phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi. Nhờ đó, hầu hết hộ chăn nuôi cam kết bảo vệ vật nuôi khi rét đậm, rét hại xảy ra, nếu để gia súc bị chết rét do yếu tố chủ quan của hộ gia đình thì sẽ không được nhận hỗ trợ của Nhà nước theo quy định.

Ông Lò Văn Bình, bản Nậm Hẹ 1, xã Hẹ Muông cho biết: Năm nào cũng vậy, sau khi thu hoạch lúa mùa, gia đình tôi thu gom, tích trữ rơm rạ để làm thức ăn cho đàn bò trong những ngày mùa đông giá rét. Khi biết thông tin gió mùa đông bắc ảnh hưởng, gia đình tôi đã chủ động nhiều biện pháp chăm sóc kỹ hơn cho đàn trâu, bò đang nuôi bằng việc gia cố lại chuồng trại, luôn giữ nền khô ráo để giữ ấm cho trâu, bò và chỉ đi chăn thả khi thời tiết ấm lên. Ðể tăng cường sức đề kháng cho gia súc, tôi cho uống nước pha với muối, khi xảy ra rét đậm, ban đêm còn đốt lửa sưởi ấm. Ngoài ra, khi nhiệt độ xuống thấp, tôi còn bổ sung thức ăn tinh như: Cám gạo, bột ngô, thực hiện tiêm phòng theo hướng dẫn của cán bộ thú y nên nhiều năm qua, đàn trâu bò trên 10 con của gia đình không bị dịch bệnh.

Rút kinh nghiệm từ thiệt hại do rét đậm, rét hại trước đây, những năm gần đây, nông dân huyện Ðiện Biên đã dần bỏ thói quen đốt rơm rạ ngay sau thu hoạch mà giữ lại, bảo quản làm thức ăn cho trâu, bò khi xảy ra rét đậm không thể chăn thả. Tại một số xã, ngoài chuẩn bị rơm, rạ, người dân còn trồng cỏ voi để chủ động được nguồn thức ăn cho vật nuôi.

Ông Giàng A Chợ, Chủ tịch UBND xã Nà Tấu (huyện Ðiện Biên) cho biết: Ðể công tác phòng, chống rét cho gia súc đạt hiệu quả cao, chính quyền xã khuyến cáo người dân chú trọng chăm sóc trâu, bò già và bê nghé non bởi những đối tượng này sức đề kháng yếu, dễ mắc bệnh trong mùa rét. Ngay khi thời tiết có những dấu hiệu chuyển biến phức tạp, người dân cần phải che chắn đảm bảo chuồng trại đủ ấm, dự trữ đủ thức ăn cần thiết cho trâu bò để tăng sức đề kháng.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, thời tiết trong vụ đông xuân 2018- 2019 có nhiều diễn biến phức tạp, kèm theo nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ 4 - 7 ngày. Do đó, ngoài công tác chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn, người dân cần phát huy tính chủ động, tích cực trong việc chăm sóc, bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi của gia đình nhằm giảm thiểu thiệt hại xuống mức thấp nhất do giá rét gây ra.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top