Phát triển nông nghiệp bền vững

08:59 - Thứ Tư, 26/06/2019 Lượt xem: 9610 In bài viết

ĐBP - Năm 2018, UBND tỉnh ban hành Ðề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Ðiện Biên giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030. Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), các huyện, thị xã, thành phố lựa chọn từ 1 - 2 sản phẩm trong các nhóm sản phẩm: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm, nội thất, trang trí và nhóm dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng để xây dựng và phát triển thương hiệu.

 

Cá nước lạnh Tênh Phông là một trong những sản phẩm được lựa chọn để thực hiện Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” năm 2019.  Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Sơn Hạnh vệ sinh bể nuôi cá.

Ông Phan Mạnh Kha, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Ðề án OCOP được phê duyệt với tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2018 - 2020 khoảng 35,76 tỷ đồng; trong đó năm 2019 bố trí 10 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình Xây dựng nông thôn mới. Theo kế hoạch giai đoạn 2018 - 2020, toàn tỉnh có 21 sản phẩm đạt tiêu chuẩn theo Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Năm 2019, UBND tỉnh lựa chọn xây dựng 11 sản phẩm đạt chuẩn theo Chương trình OCOP, như: Rượu Mông Pê, chè Tủa Chùa, sản phẩm mây tre đan Nà Tấu, dệt thổ cẩm Na Sang, tảo xoắn ở Mường Ảng, cá nước lạnh, nhóm sản phẩm dược liệu... Ngày 21/6 vừa qua, UBND tỉnh tổ chức hội nghị giới thiệu về chu trình OCOP được thực hiện theo 6 bước, trên nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm”, gồm: Tuyên truyền, hướng dẫn về OCOP; nhận ý tưởng sản phẩm; nhận kế hoạch kinh doanh; triển khai kế hoạch kinh doanh; đánh giá, phân hạng sản phẩm và xúc tiến thương mại.

Dự án Trang trại nuôi cá nước lạnh thương phẩm của Công ty TNHH Sơn Hạnh Tuần Giáo là một trong những dự án được lựa chọn để thực hiện Chương trình OCOP năm 2019. Ông Tô Quốc Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Sơn Hạnh cho biết: Dự án được triển khai từ năm 2017 với quy mô thả nuôi 6.500 con cá hồi và 5.000 con cá tầm giống, sản lượng 20 tấn/năm. Ðến nay, dự án đã đi vào hoạt động ổn định. Sản phẩm cá nước lạnh Tênh Phông đã được xuất bán đến các tỉnh: Ninh Bình, Thái Bình... Trong quá trình đầu tư thực hiện dự án, đơn vị được các sở, ngành của tỉnh tạo điều kiện về cơ chế thông thoáng, hướng dẫn chi tiết hồ sơ, thủ tục, các bước đầu tư dự án. Khi có sản phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lấy mẫu kiểm tra, kiểm định chất lượng cá; hỗ trợ quảng bá sản phẩm cá nước lạnh Tênh Phông trong và ngoài tỉnh. Ðặc biệt là hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện việc dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cá nước lạnh Tênh Phông.

Dự án liên kết chuỗi sản xuất nông nghiệp là một trong những phương thức điển hình hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống người dân. Ðến nay toàn tỉnh đã có 27/37 dự án đang được triển khai. Các huyện: Ðiện Biên, Mường Chà, Tuần Giáo, Mường Ảng đã tập trung hỗ trợ phát triển khoảng 168,2ha cây ăn quả (bưởi da xanh, vú sữa, xoài Ðài Loan, nhãn chín muộn, bưởi diễn); huyện Tủa Chùa phát triển chuỗi liên kết sản xuất chè; huyện Ðiện Biên xây dựng, phát triển chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao; huyện Ðiện Biên Ðông phát triển dự án chuỗi liên kết trồng và tiêu thụ khoai sọ, bí đao; huyện Mường Nhé, Nậm Pồ xây dựng chuỗi liên kết phát triển chăn nuôi đại gia súc, nuôi thủy sản, cây dược liệu...

Trong chiến lược phát triển vùng cây ăn quả của huyện Ðiện Biên, xã Thanh Hưng được lựa chọn để phát triển cây vú sữa. Dự án được triển khai từ năm 2018, đến nay toàn xã đã mở rộng được 9,5ha cây vú sữa. Ông Nguyễn Ngọc Ngấn, Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng cho biết: Ðiều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Thanh Hưng phù hợp với loại cây vú sữa. Nhận thấy nhiều hộ gia đình chỉ trồng 1 - 2 cây trong vườn, ngoài phục vụ gia đình còn đem bán cho thu nhập khoảng 5 - 7 triệu đồng/vụ, do đó xã đã đăng ký với UBND huyện để thực hiện Dự án liên kết chuỗi sản xuất đối với cây vú sữa. Với hình thức liên kết “4 nhà”, người nông dân được bảo hộ từ khi triển khai đến khi dự án có sản phẩm. Những năm tới, xã sẽ tiếp tục mở rộng diện tích cây vú sữa, mở hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp, tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Bà Mai Thị Trang, Trưởng phòng Quản lý Kinh tế nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn) cho biết: Dự án liên kết chuỗi sản xuất nông nghiệp sẽ khắc phục triệt để những hạn chế trong thực hiện các chính sách hỗ trợ cây ăn quả của các giai đoạn trước. Bởi mỗi dự án được triển khai đều có đủ thành phần trong liên kết “4 nhà”: Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp. Do đó, hiệu quả dự án sẽ được đảm bảo, nhất là khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Sau 1 năm triển khai, các dự án đều cơ bản đáp ứng các yêu cầu theo quy định và mục tiêu dự án đề ra.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top