Hỗ trợ cây sa nhân tím không hiệu quả ở Tuần Giáo

Ðánh mất niềm tin của người dân

09:29 - Thứ Tư, 04/09/2019 Lượt xem: 12462 In bài viết

ĐBP - Trước kỳ họp thứ 8, HÐND huyện Tuần Giáo khóa XX, cử tri bản Mý Làng A, xã Phình Sáng kiến nghị: Năm 2015, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Tuần Giáo hỗ trợ 2,9ha cây sa nhân tím cho 2 bản Mý Làng A, Mý Làng B, xã Phình Sáng theo mong muốn của người dân nơi đây về cây trồng giúp họ xóa đói giảm nghèo. Qua gần 3 năm, cây sa nhân tím sinh trưởng, phát triển tốt, vẫn đơm hoa nhưng trái kết lại chẳng “ngọt” như kỳ vọng…

Người dân kiểm tra quả sa nhân tím tại bản Mý Làng B. Ảnh: Tiếu Sinh

Ðể xác minh thông tin trong kiến nghị, chúng tôi vượt hơn 40km về bản Mý Làng A, B, tìm gặp những hộ dân trực tiếp tham gia mô hình thí điểm trồng cây sa nhân tím. Một trong số những hộ đi tiên phong là gia đình nguyên trưởng bản Mý Làng B Giàng A Phong. Dẫn chúng tôi lên tham quan vườn sa nhân tím, anh Phong vừa kể: “Trước đây, ở khu vực này vẫn có cây sa nhân mọc rải rác nên đến mùa, tôi và bà con trong bản thường thu gom quả bán cho thương lái với giá khá cao. Bởi vậy, người dân bản 2 bản Mý Làng A, B luôn muốn trồng và nhân rộng loại cây này để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Khi Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện hỗ trợ trồng cây sa nhân thì chúng tôi hăng hái tham gia chứ thực tình cũng chưa biết cây sa nhân tím khác cây sa nhân xanh như thế nào? Chỉ biết rằng cán bộ Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện nói cây này hiệu quả kinh tế cao, chăm sóc 3 năm là có quả, hơn thế còn khắc phục được tình trạng rửa trôi và xói mòn đất, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng. Nhưng những gì cán bộ nói chỉ mới đáng một nửa. Ðúng là cây sinh trưởng và phát triển tốt, 3 năm sau cho thu hoạch, còn “hiệu quả kinh tế” thì chẳng thấy đâu. Năm ngoái, mấy hộ tham gia mô hình thu hoạch được khoảng 72kg quả sa nhân tím tươi, thương lái thu mua với giá 20.000 đồng/kg, thấp hơn so với sự chờ đợi của nhiều người. Thế mà mấy tiếng đồng hồ sau thương lái đã gọi điện thoại trở lại nói rằng quả bé, chất lượng không tốt, thậm chí còn bị nghi ngờ đây không phải quả sa nhân... nên không tiêu thụ được. Trước khi ngừng lời, thương lái còn mạnh dạn trả… 2.000 đồng/kg thì mới quay lại thu mua. Tiếc công sức bỏ ra, tôi và người dân trong bản không nhất trí với cái giá quá thấp ấy nên hái về phơi khô với hy vọng bán được cho người khác. Nhưng chờ mãi rồi cũng chẳng có ai hỏi tới nên đành phải bỏ đi. Thế nên nhiều hộ chán nản, bỏ không chăm sóc, để mặc cho cây tự phát triển, thậm chí một số hộ còn phá bỏ cây sa nhân tím để tự mua giống sa nhân xanh về trồng”. Dứt lời, anh Phong chỉ cho chúng tôi những vạt cây sa nhân tím bị đốn ngã nằm ngổn ngang, vạt khác đã bị đốt đi để chuẩn bị trồng cây khác… Nhìn cảnh tượng ấy chúng tôi không khỏi xót xa cho bao mồ hôi, công sức và hơn cả là sự mong mỏi, kỳ vọng của người dân nơi đây vào cây sa nhân tím.

Trong Báo cáo 749/BC-UBND của UBND huyện Tuần Giáo ngày 22/5/2019 về kết quả thực hiện, giải quyết kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 8, HÐND huyện khóa XX có phần trả lời kiến nghị của người dân 2 bản Mý Làng. Theo đó, sau khi có kiến nghị của người dân, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư và UBND xã Phình Sáng tiến hành kiểm tra thực tế mô hình trồng sa nhân tím tại bản Mý Làng A, B. Vào thời điểm kiểm tra, cây sa nhân sinh trưởng và phát triển bình thường, đang trong thời gian ra hoa, song các hộ dân bỏ không chăm sóc. Cây sa nhân tím được trồng tại bản có tên khoa học là Amomum Longiligulare, là 1 trong 3 loại sa nhân chính được trồng ở nước ta. Nguồn gốc giống được lấy tại xã Mường Phăng (huyện Ðiện Biên) do Công ty TNHH Minh Hoàng, trụ sở tại TP. Ðiện Biên Phủ cung cấp. Ðiều kiện sinh trưởng tốt nhất cho cây sa nhân tím là nhiệt độ trung bình từ 22 - 280C. Ở nhiệt độ cao quá hoặc thấp quá cây phát triển kém và ít đậu quả. Sa nhân là loại cây ưa thích bóng râm, chủ yếu sống dưới tán rừng. Nhưng bị tán rừng che bóng quá nhiều thì cây sa nhân mọc rất rậm rạp, ít ra hoa và đậu quả. Trong thời gian cây sa nhân ra hoa vào tháng 4 - 5 hàng năm phải có sương mù dày đặc thì tỷ lệ đậu quả mới cao. Từ những đánh giá, phân tích của đơn vị chuyên môn cho thấy, việc triển khai mô hình trồng cây sa nhân tím tại 2 bản Mý Làng chưa phù hợp với điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng. Do đó, dẫn đến quả ít và nhỏ. Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện khuyến cáo không trồng và nhân rộng cây sa nhân tím.

Câu hỏi đặt ra là tại sao những đánh giá, phân tích trên không được trình bày ngay từ khi mô hình còn đang “thai nghén” mà phải đến khi thất bại mới đem ra mổ xẻ? Ðể có câu trả lời rõ ràng về vấn đề này, chúng tôi tìm đến Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Tuần Giáo. Trao đổi với chúng tôi, ông Lợi cho biết: “Mô hình trồng sa nhân tím được Trạm triển khai vào tháng 6/2015 với 6.380 cây giống trên diện tích 2,9ha cho 14 hộ tại 2 bản Mý Làng A, Mý Làng B (xã Phình Sáng). Mô hình có tổng kinh phí hơn 95 triệu đồng. Trước khi triển khai, Trạm cử cán bộ xuống khảo sát các điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu, tập quán canh tác của người dân… Qua nắm tình hình, trên địa bàn có cây sa nhân xanh mọc rải rác xung quanh nhưng không ra hoa, kết quả nhiều nên mới quyết định đưa cây sa nhân tím vào trồng”. Cũng theo ông Lợi, việc lựa chọn cây sa nhân tím có sự “định hướng” của cấp trên, bởi vào thời điểm đó, ông cũng chưa từng được tham quan, khảo sát trực tiếp mô hình cây trồng này. Tất cả những thuyết minh về hiệu quả kinh tế, kỹ thuật trồng cây sa nhân tím đều được tham khảo của một số địa phương khác thông qua… mạng internet!    

2 bản Mý Làng nằm trên độ cao trung bình 800 - 900m so với mực nước biển, với đa phần là rừng cây, núi đá chứ chẳng lấy đâu ra bờ xôi ruộng mật để người dân thuận lợi phát triển kinh tế. Vậy nên, bà con nơi đây luôn mong muốn có một loại cây trồng mang lại hiệu quả cao, giúp họ thoát khỏi đói nghèo. Tiếc thay, niềm hy vọng mang tên sa nhân tím của họ vừa mới nhen lên đã bị dập tắt bởi câu chuyện “điều kiện tự nhiên chưa phù hợp” mà lẽ ra phải được bàn thảo từ nhiều năm trước. Chuyện đã rồi, 14 hộ dân của 2 bản Mý Làng cũng chẳng tiếc vốn, công sức mình bỏ ra mà họ thất vọng khi vẫn chưa giải được bàn toán trồng cây gì, nuôi con gì để có thể thoát nghèo. Hơn thế, nhiều hộ còn cương quyết cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của công ty cung ứng giống, đơn vị triển khai mô hình… Vì họ cảm giác bị lừa trong suốt thời gian qua. Với các cơ quan chuyên môn, có lẽ đây là bài học kinh nghiệm trong việc triển khai các dự án, mô hình hỗ trợ cho người nông dân. Bởi lẽ, mô hình thất bại, ngoài thiệt hại về ngân sách Nhà nước sẽ còn đánh mất niềm tin của người dân với cán bộ, cơ quan chuyên môn - những người đóng vai trò quan trọng trong hướng dẫn, hỗ trợ họ phát triển nông nghiệp nông thôn.

Tiếu Sinh
Bình luận
Back To Top