Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội góp phần quan trọng xây dựng nông thôn mới

08:28 - Thứ Hai, 09/09/2019 Lượt xem: 11198 In bài viết

ĐBP - Sau 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM), vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tỉnh ta đã đạt những kết quả tích cực; bộ mặt nông thôn đổi mới, đời sống người dân được nâng cao. Tính đến ngày 30/6/2019 toàn tỉnh có 18/116 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 18 xã so với năm 2011; có 8/116 xã đạt từ 15-18 tiêu chí (tăng 8 xã); 15/116 xã đạt từ 10-14 tiêu chí (tăng 15 xã); 75/116 xã đạt từ 5-9 tiêu chí (tăng 75 xã); không còn xã dưới 5 tiêu chí (giảm 115 xã); số tiêu chí bình quân là 9,8 tiêu chí/xã.

Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Mường Chà giải ngân cho vay hộ nghèo xã Na Sang. Ảnh: Thu Hằng

Ðóng góp vào thành tựu xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh thời gian qua có vai trò quan trọng của nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Tại Quyết định số 1600/QÐ-TTg, ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020”, đã nhấn mạnh đến giải pháp đa dạng hóa các nguồn vốn huy động để thực hiện chương trình; trong đó sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn tín dụng, với 2 nguồn chính: Vốn tín dụng của Ngân hàng thương mại và vốn tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thực hiện.

Theo bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016 - 2020 gồm 19 tiêu chí, chia thành nhiều nhóm thì nhóm kinh tế và tổ chức sản xuất có 4 tiêu chí: Tiêu chí số 10 về thu nhập; tiêu chí 11 về hộ nghèo; tiêu chí 12 về lao động có việc làm và tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất. Các chương trình tín dụng của NHCSXH có vai trò rất lớn trong thực hiện 4 tiêu chí này; góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ gia đình vùng đặc biệt khó khăn, hộ dân tộc thiểu số. Mục tiêu về thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2020 đối với khu vực Trung du miền núi phía Bắc (trong đó có Ðiện Biên) là từ 36 triệu đồng/người/năm trở lên. Ðể đạt được mục tiêu đó cần sự tham gia của NHCSXH trong việc nâng cao thu nhập của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; trên cơ sở đó nâng cao mức thu nhập bình quân chung của người dân khu vực nông thôn.

Ông Ðàm Xuân Triệu, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Ðiện Biên cho biết: Với vai trò, trách nhiệm là thành viên Ban chỉ đạo xây dựng NTM, Ban chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã thường xuyên bám sát các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên và các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương để tham mưu trong công tác rà soát, xác nhận đối tượng vay vốn theo quy định làm căn cứ giải ngân nhanh chóng nguồn vốn vay ưu đãi được giao. Chủ động tham mưu và tích cực chỉ đạo các hoạt động tín dụng chính sách xã hội theo hướng tập trung ưu tiên tại các xã xây dựng NTM. Với nguồn vốn huy động trong thời gian qua, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn giải ngân các chương trình tín dụng chính sách. Ðến 30/6/2019, tổng dư nợ đạt trên 2.846 tỷ đồng với 19 chương trình tín dụng chính sách. Trong đó cho vay hộ nghèo đạt 1.352,6 tỷ đồng; hộ cận nghèo 329 tỷ đồng; chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 66,8 tỷ đồng; hộ mới thoát nghèo 180 tỷ đồng; cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 571,8 tỷ đồng; cho vay đối với học sinh và sinh viên 16 tỷ đồng; cho vay giải quyết việc làm 100,8 tỷ đồng và cho vay hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở 109,5 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, nhiều hộ dân nông thôn đã đẩy mạnh đầu tư thâm canh cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, phát triển dịch vụ, tạo việc làm và nâng cao thu nhập. Ðồng thời đầu tư xây dựng công trình vệ sinh, nước sạch; sửa chữa và nâng cấp nhà ở, tiện nghi sinh hoạt. Con em nông dân có điều kiện tài chính tiếp tục theo học các trường đào tạo nghề, các trường cao đẳng và đại học để có cơ hội việc làm. Như vậy, trong thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần nâng cao thu nhập, tạo việc làm, phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất có hiệu quả; nâng cao trình độ dân trí, khả năng tiếp thu và ứng dụng khoa học kỹ thuật, cải thiện điều kiện sống cho người dân ở nông thôn. Nguồn vốn tín dụng chính sách trong 10 năm qua đã giải ngân cho 195.508 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn. Qua đó góp phần giúp gần 23.000 lượt hộ nghèo thoát nghèo; tạo việc làm cho trên 10.000 lao động; trên 9.000 lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 15.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; xây dựng 14.560 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách.

Bên cạnh đó, hoạt động tín dụng chính sách xã hội còn góp phần nâng cao chất lượng hệ thống chính trị và đảm bảo an ninh trật tự xã hội khu vực nông thôn theo tiêu chí xây dựng NTM. Thông qua hoạt động ủy thác của NHCSXH đã góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng và vai trò của các tổ chức, đoàn thể (cựu chiến binh, phụ nữ, nông dân, đoàn thanh niên) và các tổ tiết kiệm và vay vốn bằng các hoạt động đào tạo cho cán bộ tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, thành viên Ban đại diện cấp huyện, Ban giảm nghèo cấp xã, ban quản lý tổ tiết kiệm và trưởng thôn, bản.

Thời gian tới, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Ðiện Biên tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác nâng cao chất lượng tín dụng, hoạt động giao dịch tại xã, hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn. Thường xuyên rà soát, thống kê hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác để tạo điều kiện cho vay vốn kịp thời, góp phần thực hiện thực thắng lợi chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.

Hà Nguyễn
Bình luận
Back To Top