Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

08:40 - Thứ Sáu, 15/11/2019 Lượt xem: 11707 In bài viết

ĐBP - Nhiều hoạt động bảo vệ người tiêu dùng được quan tâm triển khai, song tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng cơ bản mới chỉ được phát hiện thông qua các cuộc kiểm tra, kiểm soát thị trường của cơ quan chức năng và các cuộc thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước về các lĩnh vực liên quan. Còn với người tiêu dùng vì rất nhiều nguyên nhân nên thường ngần ngại, không muốn đứng ra đấu tranh nên đã bỏ qua quyền lợi chính đáng của mình; nhất là khi mua hàng online.

Người bán hàng trong Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ tư vấn bán hàng cho khách du lịch.

Chị Dung, tổ dân phố 10, phường Thanh Bình (TP. Ðiện Biên Phủ) là “tín đồ” mua hàng online; nhưng sau lần mua áo phông mới của một cửa hàng có địa chỉ ở huyện Hoài Ðức (Hà Nội) với giá 120.000 đồng, nhận được sản phẩm ố màu, vải kém chất lượng thì mới hạn chế và cẩn thận hơn. Chị Dung cho biết, do không được kiểm tra hàng trước khi thanh toán nên sau khi trả tiền rồi mới bóc xem hàng thì chỉ muốn quăng vào sọt rác! Hỏi chị Dung sao không liên lạc với shop bán hàng để đổi hoặc trả hàng? Chị Dung cho rằng phí vận chuyển tới 20.000 - 30.000 đồng/lần, trong khi giá trị sản phẩm hàng hóa mua không lớn chưa kể đến phía shop bán hàng cũng sẽ đưa ra cả chục lý do không muốn đổi, trả… Thay vì lên tiếng bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, chị Dung bảo “cạch mặt” shop đó ra thôi chứ yêu cầu đổi trả làm gì khi mình bóc hàng kiểm tra không có người chứng kiến, nói ai tin?

Không chỉ mua hàng online như chị Dung mà với phương thức mua - bán truyền thống khi xảy ra rủi ro thì thường người tiêu dùng vẫn chịu thiệt thòi. Nhân chuyến công tác, chị Tuyên ở thị trấn Tuần Giáo (huyện Tuần Giáo) mua chiếc bình đun nước điện giá hơn 800.000 đồng tại một cửa hàng chuyên về đồ điện gia dụng ở TP. Ðiện Biên Phủ. Sản phẩm bảo hành 6 tháng nhưng chỉ mới dùng hơn 1 tháng thì xảy ra hiện tượng khi nước sôi không tự ngắt, có lần do quên không rút điện, nước sôi bốc hơi gần hết. Ðiện thoại tới cửa hàng để phản ánh, nhân viên cửa hàng cũng chỉ hỏi quá trình sử dụng có làm theo đúng hướng dẫn rồi giải thích qua loa việc khắc phục chứ không nói gì tới việc đổi trả hay sửa chữa… Vậy là thay vì có nước sôi dùng hàng ngày thì mỗi lần cắm điện đun nước chị Tuyên lại phải đứng canh cho tới khi sôi rồi rót nước vào phích để giữ ấm.

Còn nhiều trường hợp rủi ro, hoặc bán hàng không đảm bảo như cam kết, nhưng thường thấy là người tiêu dùng chịu thiệt thòi, cho qua mà không muốn đi tới cơ quan công quyền để bảo vệ quyền lợi của mình. Ðây cũng là khó khăn trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, dù công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người tiêu dùng về cách thức lựa chọn hàng hóa, các tiêu chuẩn, chất lượng mặt hàng, sản phẩm cũng như hiểu biết về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của người tiêu dùng… được triển khai khá rộng rãi, nhưng do trình độ dân trí không đồng đều (nhất là vùng sâu, vùng xa) nên hiệu quả chưa cao. Phần do nhận thức, ý thức của một số doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn hạn chế. Vì lợi nhuận mà đưa ra thị trường các sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng, bất chấp tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng… Chính vì vậy, cần gắn công tác kiểm tra, xử lý vi phạm với tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật cho các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ông Lò Ngọc Minh, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường trong tỉnh đã tổ chức tuyên truyền trực tiếp đến hơn 900 thương nhân hoạt động kinh doanh, thương mại; tiến hành kiểm tra 1.102 vụ, phát hiện vi phạm, xử lý vi phạm hành chính 343 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước trên 333,4 triệu đồng. Vi phạm liên quan đến các lĩnh vực kinh doanh hàng cấm, hàng giả, vi phạm về giá, an toàn thực phẩm, vi phạm trong kinh doanh… Buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm trị giá gần 41 triệu đồng; vận động thương nhân tự tiêu hủy hàng quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ trị giá hơn 94 triệu đồng. Thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đã tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh nhận thức được trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của mình từ khâu sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá thành sản phẩm phù hợp, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top