Phát triển bền vững nghề trồng nấm

08:52 - Thứ Hai, 18/11/2019 Lượt xem: 12387 In bài viết

ĐBP - Ưu điểm của nghề trồng nấm là tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị dinh dưỡng cao, được thị trường đón nhận, tận dụng được nguồn nguyên liệu nông nghiệp sẵn có, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Minh chứng rõ từ hiệu quả một số mô hình trồng nấm trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, để nghề trồng nấm phát triển hiệu quả, bền vững tỉnh ta cần có những giải pháp cụ thể khắc phục những khó khăn, vướng mắc cho người trồng nấm.

Công nhân Trung tâm Nấm Ðiện Biên đóng bịch phôi giống nấm sò.

Tháng 9/2018, sau khi tham gia lớp học nghề trồng nấm do Trung tâm Tư vấn Hỗ trợ việc làm (Hội Nông dân tỉnh) phối hợp với Phòng Kinh tế TP. Ðiện Biên Phủ tổ chức, 30 học viên là phụ nữ xã Thanh Minh đã chia làm 2 nhóm, đóng góp mỗi người 200.000 đồng mua giống, túi đựng… rồi tận dụng nguồn nguyên liệu rơm rạ sau khi thu hoạch lúa để trồng nấm. Là một trong những thành viên tích cực của nhóm trồng nấm, chị Lường Thị Tiện, bản Co Củ chia sẻ: Vụ nấm đầu tiên, nhóm tôi đóng được gần 500 bịch nấm sò và 14 mô nấm rơm. Sau 1 tháng rưỡi chăm sóc, nấm bắt đầu cho thu hoạch liền trong 5 tháng, mỗi tháng từ 2 - 3 đợt. Với giá bán nấm sò trên thị trường trung bình khoảng 50.000 đồng/kg, nấm rơm từ 100.000 - 120.000 đồng/kg, mỗi đợt thu hoạch lãi khoảng 10 triệu đồng.

Cũng giống như chị Tiện, gia đình chị Lò Thị Chiêng, bản Ten Luống 1, xã Thanh An (huyện Ðiện Biên) là 1 trong số hơn 500 hộ dân trên địa bàn huyện tham gia mô hình trồng nấm hộ gia đình theo hướng dẫn của Trung tâm Nấm Ðiện Biên. Ðược biết, gia đình chị Chiêng là một trong những hộ khó khăn nhất bản. Ðầu năm 2013, chị Chiêng vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 20 triệu đồng để đầu tư trồng nấm. Với 8 tạ rơm nguyên liệu, gia đình chị thu được khoảng 3 tạ nấm rơm. Chị Chiêng cho biết: Với giá bán 50.000 đồng/kg nấm thương phẩm, trừ chi phí tôi lãi từ 7 - 10 triệu đồng trong thời gian 2 tháng. Hiệu quả từ nghề trồng nấm hơn 6 năm qua đã giúp tôi trả hết nợ ngân hàng, kinh tế gia đình khá hơn trước rất nhiều.

Trồng nấm được coi là nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao, là hướng đi tốt cho phát triển kinh tế nông hộ. Tuy nhiên thực tế sản xuất nấm trên địa bàn tỉnh hiện nay đang đặt ra một số vấn đề cần giải quyết. Trước hết, việc sản xuất, chế biến nấm ở tỉnh ta vẫn ở quy mô nhỏ, phân tán, sản phẩm tiêu thụ trên thị trường nội tỉnh là chính. Theo thống kê, toàn tỉnh có khoảng 1.600 hộ gia đình và gần 80 nhóm hộ (mỗi nhóm từ 7 - 10 hộ) tham gia trồng nấm. Việc trồng nấm phân tán rải rác khiến cho việc tạo lập thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, các thương lái khó thu gom sản phẩm với số lượng lớn đi tiêu thụ hoặc chế biến. Bởi vậy, sản phẩm nấm hầu hết do các hộ dân bán nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, các chủng loại nấm sản xuất trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đa dạng, sản phẩm hiện nay chủ yếu vẫn là nấm sò, nấm rơm, nấm mỡ và nấm linh chi, chưa có nhiều sản phẩm cao cấp và cũng chưa có công nghệ chế biến đi kèm. Lý giải vấn đề này, ông Phạm Ngọc Sáng, Giám đốc Trung tâm Nấm Ðiện Biên cho biết: Những sản phẩm nấm cao cấp đòi hỏi cao về kỹ thuật, trong khi người trực tiếp sản xuất phần lớn là nông dân vẫn còn nhiều hạn chế về kỹ thuật, chi phí đầu tư. Ðơn cử như vừa qua, Trung tâm trồng thử nghiệm 3.000 bịch nấm Ngọc Châm và nấm Trân Châu, đây là những loại nấm có giá trị kinh tế cao với giá bán trên thị trường khoảng 150.000 đồng/kg. Tuy nhiên, việc triển khai trồng những loại nấm này ở các hộ nông dân sẽ rất khó khăn bởi nhiệt độ nuôi trồng yêu cầu từ 17 - 220C, trong khi các hộ trồng nấm trên địa bàn tỉnh hầu hết đều nuôi trồng trong môi trường nhiệt độ thường. Cùng với đó, chi phí mua giống cũng đắt hơn nhiều lần so với giống nấm thông thường, bởi vậy nhiều người không đủ điều kiện đầu tư. Bên cạnh đó các sản phẩm nấm không giữ được lâu, trong khi hầu hết người trồng nấm trên địa bàn tỉnh chưa có điều kiện đầu tư công nghệ bảo quản. Hiện nay Trung tâm cung cấp các bịch phôi giống và giống nấm chủ yếu cho thị trường nội tỉnh với quy mô khoảng 70.000 bịch phôi giống, gần 30 tấn giống nấm mỗi năm. Nhưng chủ yếu là những loại nấm dễ trồng, phù hợp với điều kiện của người trồng như nấm sò, nấm rơm.

Ðể nghề trồng nấm phát triển bền vững, có những sản phẩm đồng nhất và chất lượng, ngoài mở các lớp tập huấn nâng cao tay nghề, người trồng nấm cần hỗ trợ về vốn đầu tư hạ tầng, mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư trang thiết bị phù hợp để phát triển đa dạng các chủng loại nấm.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top