Nông lâm kết hợp - mô hình phát triển bền vững cho người dân vùng cao

08:51 - Thứ Hai, 09/12/2019 Lượt xem: 12426 In bài viết

ĐBP - Sau 2 năm triển khai Dự án “Thúc đẩy và mở rộng nông lâm kết hợp (NLKH) hướng theo thị trường và các giải pháp phục hồi rừng cho vùng Tây Bắc Việt Nam” do Tổ chức nghiên cứu Nông lâm Quốc tế tại Việt Nam phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa thực hiện đã đem lại hiệu quả đáng mừng.

Chị Cà Thị Thiên, bản Nà Nọi 1, xã Nà Nhạn (huyện Ðiện Biên) chăm sóc cây ăn quả trong mô hình NLKH.

Dự án triển khai tại các xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo) và xã Nà Nhạn (huyện Ðiện Biên) với các mô hình NLKH như: Mô hình keo - nhãn - cà phê - cỏ; mô hình nhãn - ngô - cỏ chăn nuôi; mô hình mắc ca - cà phê - đỗ tương; mô hình sơn tra - cỏ chăn nuôi; mô hình sơn tra - cà phê - cỏ… với sự tham gia của gần 100 nông hộ. Trong quá trình thực hiện dự án, vai trò của cán bộ cấp bản là chủ yếu nhằm tăng cường nhận thức của cộng đồng, trao quyền chủ động trong các hoạt động của dự án. Khi tham gia dự án người dân được hỗ trợ toàn bộ cây giống, phân bón và kỹ thuật.

Những ngày này, công việc chính của anh Lò A Vàng, xã Tỏa Tình là chăm sóc 1ha cây sơn tra và cà phê. Trước đây anh Lò A Vàng chỉ biết trồng ngô, giá trị thấp bởi phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời thì chỉ sau 2 năm tham gia dự án anh Vàng đã biết trồng cây ngắn hạn và dài hạn trên cùng một diện tích để tạo nguồn sinh kế bền vững. Hiện nay cây cà phê đã cho hoa và cây sơn tra đã ra quả đang dần phủ xanh vùng đồi trọc. Anh Lò A Vàng cho biết: Trước đây, diện tích này chủ yếu trồng ngô, sắn. Qua nhiều vụ đất đã bị xói mòn và bạc màu. Mỗi mùa mưa lại rửa trôi thêm lớp đất mặt nên năng suất cây trồng ngày càng kém. Nhờ tham gia mô hình NLKH, trồng cây sơn tra - cà phê đã giữ đất tốt, chống bạc màu.

Tại bản Nà Nọi, xã Nà Nhạn dự án được triển khai trên những diện tích nương bạc màu với 65 hộ tham gia, sau 2 năm diện tích trồng đã đạt 50ha. Gia đình chị Cà Thị Thiên, bản Nà Nọi 1, là một trong những hộ có diện tích lớn nhất (2ha) tham gia dự án. Chị Thiên cho biết: Gia đình tôi trồng 700 cây bưởi, nhãn, mận. Qua 2 năm tham gia, tôi thấy dự án thực sự có ý nghĩa thiết thực đối với người dân trong bản bởi mô hình NLKH này đã giảm tình trạng người dân phá rừng làm nương; cải thiện tình trạng xói mòn đất.

Ông Mùa A Hừ, Phó Chủ tịch UBND xã Nà Nhạn, cho biết: Sau 2 năm dự án triển khai trên địa bàn xã đã có những kết quả bước đầu là: làm giàu rừng triển khai trên 16ha, hỗ trợ tái sinh rừng tự nhiên trên 60ha, các hộ nông dân tham gia đã trồng 20.000 cây phân tán. Theo yêu cầu của dự án là mở rộng diện tích 10ha ra các bản xung quanh, đến nay đã mở rộng được 15ha tại các bản Huổi Hẹ, Nà Ngám, Nà Nọi 2. Xây dựng được 2 vườn ươm để nhân giống cây ăn quả tại bản Nà Nọi và Huổi Hẹ với công suất 1,2 vạn bầu/năm.

Ðịnh hướng canh tác bền vững trên đất dốc dưới hình thức NLKH có ý nghĩa quan trọng, vừa có thể nâng cao thu nhập của người dân trên một đơn vị diện tích, vừa duy trì diện tích rừng, chống xói mòn rửa trôi đất. Hai mô hình được thực hiện tại xã Tỏa Tình và xã Nà Nhạn từ năm 2017 đến nay đã đạt mục tiêu về diện tích (50ha mỗi mô hình). Năm 2019 các loại cây ăn quả đã cho thu hoạch sản phẩm (chanh, mận, đào, xoài…) Nhằm mở rộng, khuyến khích người dân thực hiện mô hình NLKH, chính quyền địa phương cần lồng ghép các mô hình NLKH vào chương trình, kế hoạch phát triển nông nghiệp, đồng thời có chính sách hỗ trợ đầu tư (kỹ thuật, vốn, giống…) để bà con yên tâm áp dụng. Bên cạnh đó, cần tư vấn, hướng dẫn người dân lựa chọn các loại cây trồng trong hệ thống NLKH phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương, hỗ trợ người dân tìm kiếm thị trường...

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top