Xã biên giới ì ạch xây dựng nông thôn mới

09:02 - Thứ Sáu, 27/12/2019 Lượt xem: 9960 In bài viết

ĐBP - Sau 3 năm thực hiện Ðề án Xây dựng nông thôn mới (NTM) vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới tỉnh Ðiện Biên, nhằm phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh giai đoạn 2016 - 2020 (theo Quyết định số 1573/QÐ-TTg ngày 9/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ), kết quả đạt được rất khiêm tốn trong khi thời gian thực hiện chỉ còn 1 năm.

Người dân bản A Pa Chải làm dịch vụ xay xát, phát triển kinh tế gia đình.

Ðề án được triển khai trên địa bàn 4 huyện: Ðiện Biên (12 xã), Mường Chà (3 xã), Nậm Pồ (8 xã) và Mường Nhé (6 xã). Tổng nguồn vốn dự kiến gần 2.000 tỷ đồng từ vốn đầu tư trực tiếp, vốn sự nghiệp và các nguồn khác. Mục tiêu đến năm 2020, toàn bộ số xã vùng Ðề án sẽ cơ bản hoàn thành xây dựng NTM gắn với giảm nghèo nhanh, bền vững, góp phần bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Sau 3 năm thực hiện, đến nay toàn tỉnh có 7 xã biên giới đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới; 1 xã đạt 10 - 14 tiêu chí; 21 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí; không còn xã dưới 5 tiêu chí. So với mục tiêu Ðề án, tỉnh ta đã hoàn thành  mục tiêu đến năm 2020 có 7 xã được công nhận NTM. Tuy nhiên, các mục tiêu còn lại như: 2 xã đạt 16 tiêu chí, 1 xã đạt 14 tiêu chí, 5 xã đạt 13 tiêu chí, 5 xã đạt 12 tiêu chí, 7 xã đạt 11 tiêu chí, 2 xã đạt 10 tiêu chí và không còn xã dưới 10 tiêu chí thì chưa đạt được.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chánh Văn phòng thường trực Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM tỉnh cho biết: Có nhiều nguyên nhân khiến việc thực hiện xây dựng NTM ở các xã biên giới gặp khó khăn. Ðầu tiên là xuất phát điểm vùng thực hiện Ðề án thấp; năm 2016 tiêu chí bình quân vùng Ðề án là 6 tiêu chí/xã. Thứ 2 là nguồn vốn trực tiếp cho chương trình chưa đáp ứng yêu cầu. Ðến nay Trung ương mới bố trí cho tỉnh được 48 tỷ đồng nguồn vốn sự nghiệp và 51,45 tỷ đồng vốn đầu tư trong khi nhu cầu vốn xây dựng NTM các xã biên giới rất lớn, nhất là đầu tư hạ tầng. Ngoài ra còn có các nguyên nhân như: Nguồn vốn xã hội hóa và đóng góp của tổ chức, cá nhân rất hạn chế; vẫn còn bộ phận lớn người dân vùng dân tộc thiểu số có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Chính vì vậy, xây dựng NTM các xã biên giới trên địa bàn tỉnh chưa đạt được kết quả như mong muốn. Ðối với các tiêu chí còn lại, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các xã huy động mọi nguồn lực để thực hiện trong năm 2020.

Xã Sín Thầu - xã điểm xây dựng NTM của huyện Mường Nhé và được UBND tỉnh công nhận xã cơ bản đạt chuẩn NTM từ năm 2017. Sau 2 năm, xã vẫn “giậm chân tại chỗ” với 17 tiêu chí, còn 2 tiêu chí chưa đạt là: Hộ nghèo và trường học. Theo bà Pờ Mỳ Lế, Bí thư Ðảng ủy xã Sín Thầu thì đối với tiêu chí trường học, xã còn Trường THCS Sín Thầu chưa đạt chuẩn quốc gia. Hiện nay, xã đã trình phương án sáp nhập 2 trường: PTDTBT Tiểu học Sín Thầu và THCS Sín Thầu. Sau khi được các cấp có thẩm quyền phê duyệt thì xã Sín Thầu sẽ đạt tiêu chí số 5 về trường học. Ðối với tiêu chí số 11 về hộ nghèo là rất khó đối với xã Sín Thầu. Tỷ lệ hộ nghèo của xã còn ở mức cao (39,08%), trong đó nhiều hộ có nguy cơ tái nghèo. Ðể giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 12% là nhiệm vụ bất khả thi hiện nay. Mặc dù xã được thụ hưởng các chương trình, chính sách giảm nghèo: 30a, 135/CP… nhưng một bộ phận người dân chưa coi đó là động lực phát triển, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại hỗ trợ của Nhà nước. Ðể giảm tỷ lệ hộ nghèo đòi hỏi phải thay đổi nhận thức của người dân. Song vấn đề nhận thức thì không thể thay đổi ngay mà là một quá trình.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top