Nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng

09:08 - Thứ Sáu, 03/01/2020 Lượt xem: 9885 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, Ðiện Biên có 1.268 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký hơn 21.300 tỷ đồng; 18.173 hộ kinh doanh với vốn đăng ký trên 2.400 tỷ đồng. Các doanh nghiệp tập trung chủ yếu tại địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ (chiếm tỷ lệ 66%). Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) còn yếu về năng lực tài chính, năng lực quản lý điều hành hạn chế, thiếu lao động kỹ thuật và thợ bậc cao, nhu cầu tiêu thụ đối với một số sản phẩm sản xuất tại địa phương thấp dẫn đến không ít doanh nghiệp hoạt động cầm chừng.

Công nhân Công ty TNHH số 32 sản xuất gạch lát không nung.

Theo thống kê, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn tập trung trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và xây dựng; 44% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng, công nghiệp và xây dựng; 31% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại; 22% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ. Còn lại là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 2%... Là một trong số nhiều doanh nghiệp sản xuất gạch lát nền, lát vỉa hè không nung, mặc dù sản phẩm của Công ty TNHH số 32 (phường Thanh Trường, TP. Ðiện Biên Phủ) bước đầu đã được thị trường Ðiện Biên và Lai Châu đón nhận song doanh nghiệp này vẫn đang hoạt động một cách cầm chừng. Ông Trần Xuân Phong, Giám đốc Công ty TNHH 32 cho biết: Năm 2017, sau khi đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến sản xuất gạch Terrazzo lát vỉa hè và lát sân không nung, Công ty đã đưa sản phẩm giới thiệu tại thị trường Ðiện Biên. Ðể kích cầu thị trường, đơn vị đã hạ giá thành sản phẩm tới mức thấp nhất từ 120 nghìn đồng/m2 xuống còn 90 nghìn đồng/m2 (thấp hơn nhiều so với các loại gạch lát ngoài thị trường). Hơn 3 năm đi vào hoạt động, mặc dù thị trường tiêu thụ đã mở rộng ra ngoài tỉnh song số lượng sản phẩm xuất bán còn thấp. Trung bình hàng tháng, Công ty chỉ có từ 1 - 2 đơn hàng. Khó tìm đầu ra cho sản phẩm, bởi vậy, khi hết đơn hàng thì công nhân của đơn vị lại tạm nghỉ trong khi ngay tại điểm sản xuất vẫn còn số lượng lớn gạch chưa được xuất bán.

Không chỉ với Công ty TNHH 32 mà nhiều DNNVV hiện nay còn yếu về năng lực tài chính, thiếu lao động kỹ thuật và thợ bậc cao, năng lực quản lý điều hành hạn chế dẫn đến sức cạnh tranh yếu, bị động trước sự biến động của thị trường. Một số doanh nghiệp khi đăng ký và thực hiện dự án đầu tư chưa căn cứ vào khả năng huy động tài chính của đơn vị mình dẫn đến không đủ khả năng tài chính để thực hiện dự án. Công tác chuẩn bị đầu tư chưa tốt, đầu tư dàn trải dẫn đến nhiều dự án chậm hoàn thành hoặc phải ngừng đầu tư gây lãng phí về tài nguyên và thiệt hại cho doanh nghiệp... Trước thực trạng đó, để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp như: Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; cải cách hành chính; đơn giản hoá các thủ tục thuế… Việc triển khai các chính sách hỗ trợ cho các DNNVV đã mang lại hiệu quả thiết thực, song để doanh nghiệp vượt qua những khó khăn trên thì ngoài việc hỗ trợ pháp lý cần có chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng linh hoạt. Tại hầu hết các buổi đối thoại doanh nghiệp do UBND tỉnh tổ chức, nhiều  doanh nghiệp đề xuất: Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện một số giải pháp nhằm hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn tín dụng; tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh; UBND tỉnh ưu tiên bố trí quỹ đất để hình thành, phát triển các cụm công nghiệp, khu chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản tập trung cho DNNVV thực hiện hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; được miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật...

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top