Ða dạng thực phẩm thay thế thịt lợn

08:49 - Thứ Tư, 08/01/2020 Lượt xem: 9566 In bài viết

ĐBP - Hiện nay tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh khoảng hơn 323.300 con, trong đó, lợn thương phẩm chiếm 70% tổng đàn. Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, nguồn cung thịt lợn dịp cuối năm vẫn đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên trước thực trạng giá thịt lợn tăng cao trong thời gian vừa qua nên nhiều người tiêu dùng đã cắt giảm khẩu phần thịt lợn trong bữa ăn hàng ngày và thay thế bằng các loại thực phẩm khác như: Ðậu phụ, trứng, thịt gia cầm, thủy sản…

Người dân chọn mua gia cầm tại chợ Mường Thanh.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 22/12, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 5.630 hộ tại 772 thôn, bản trên địa bàn 100 xã của 10/10 huyện, thị xã, thành phố. Số lợn đã tiêu hủy gần 23.400 con với tổng trọng lượng trên 1.039 tấn. Theo ông Ðỗ Thái Mỹ, Chi Cục trưởng Chi cục Thú y thì số lợn tiêu hủy chỉ chiếm 5,8% tổng đàn lợn trước khi có dịch, trong tháng 12 số lợn mắc bệnh buộc tiêu hủy đã giảm đáng kể (giảm 96% so với tháng 6/2019 - tháng cao điểm tiêu hủy lợn mắc bệnh). Bởi vậy, nguồn cung thịt lợn của tỉnh vẫn bình ổn, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm.

Mặc dù nguồn cung đảm bảo, song thời gian này, nhiều gia đình có xu hướng chuyển đổi thực đơn trong bữa ăn. Tại chợ Mường Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ), ngay cả giờ cao điểm chợ sáng thì lượng khách mua thịt lợn cũng rất thưa thớt trong khi gian hàng bán gia cầm, cá, hải sản thì đông khách hơn hẳn. Chị Nguyễn Thị Huê, tiểu thương chợ Mường Thanh cho biết: Giá thịt lợn tăng cao ảnh hưởng nhiều đến việc tiêu thụ. Nếu như trước khi có dịch, nhiều hôm tôi về nhà sớm vì thịt tiêu thụ nhanh, còn thời điểm này thịt lợn lại tiêu thụ khá chậm. Mặc dù nhiều hôm phải cất công tới khu vực vùng sâu, xa để bắt được lợn ngon nhưng lượng khách mua vẫn giảm, có lẽ chỉ đạt hơn 50% so với thời điểm trước bởi nhiều khách hàng đã chủ động chuyển sang sử dụng cá hoặc thịt gia cầm, gia súc khác để thay thế thịt lợn

Chị Nguyễn Thị Liên, tổ dân phố 6, phường Thanh Trường (TP. Ðiện Biên Phủ) cho biết: Chồng và các con rất thích ăn thịt lợn nhưng đợt này giá thịt tăng cao nên tôi phải tính toán cẩn thận để đảm bảo ngân sách cho gia đình không bị thâm hụt vì mọi thứ cũng tăng theo. Bây giờ tôi mua ít thịt lợn hơn, đồng thời mua thêm đậu phụ, trứng hoặc các loại cá để bổ sung vào bữa ăn cho gia đình.

Khảo sát tại một số chợ trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ và huyện Ðiện Biên, chúng tôi nhận thấy sức tiêu thụ thịt bò, thịt gia cầm, thủy sản thời gian qua tăng cao hơn so với trước. Chị Phạm Minh Loan, tiểu thương kinh doanh thịt bò tại chợ Mường Thanh cho biết: Sức mua thịt bò tăng khoảng 5 - 10% so với thời điểm cách đây 2 tháng. Giá bán cũng tăng lên, dao động từ 250.000 - 300.000 đồng/kg tùy từng loại thịt. 

Thịt gia cầm cũng đang là lựa chọn của các bà nội trợ, hiện nay, giá gà ta tại các chợ dao động từ 150.000 - 170.000 đồng/kg, gà công nghiệp 110.000 - 130.000 đồng/kg. Các loại thủy sản cũng được tiêu thụ mạnh, theo nhiều tiểu thương kinh doanh thủy sản tại chợ Trung tâm 1, những ngày gần đây, mặt hàng thủy sản khá đắt khách và được giá hơn trước. Hiện nay cá rô phi có giá 45.000 - 55.000 đồng/kg; cá trắm, cá trôi từ 110.000 - 120.000 đồng/kg; tôm từ 230.000 - 300.000 đồng/kg… Ðây được cho là mức giá khá “mềm” so với giá thịt lợn trong trong thời điểm này nên được nhiều người sử dụng.

Trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, nhiều người chăn nuôi chưa dám tái đàn do thiếu vốn, con giống và tâm lý e ngại dịch tái phát, thiết nghĩ ngoài việc chủ động thay đổi thực phẩm thay thế thịt lợn của người tiêu dùng, thì các cơ quan chuyên môn cũng như người chăn nuôi cần chủ động chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường trên địa bàn tỉnh không chỉ trong dịp tết Nguyên đán 2020 mà trong thời gian tiếp theo.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top