Nâng hạn mức cho vay, thêm cơ hội thoát nghèo

09:00 - Thứ Tư, 19/02/2020 Lượt xem: 9524 In bài viết

ĐBP - Hạn mức cho vay tối đa tại một số chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) được nâng lên 100 triệu đồng từ tháng 3/2019; thời hạn cho vay tối đa cũng nâng lên đến 10 năm. Sau gần 1 năm triển khai thực hiện, hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh đã được tạo cơ hội tiếp cận với đồng vốn ưu đãi để đầu tư, phát triển sản xuất.

Người dân làm thủ tục vay vốn NHCSXH tại điểm giao dịch xã Thanh An (huyện Ðiện Biên).

Trước thời điểm tháng 3/2019, các hộ vay vốn một số chương trình như: Hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo… của NHCSXH chỉ được vay tối đa 50 triệu đồng và thời hạn vay không quá 5 năm. Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã và đang có xu hướng phát triển cây ăn quả và chăn nuôi gia súc theo hình thức nhốt chuồng. Ðặc thù của hình thức phát triển kinh tế này là cần thời gian sinh trưởng dài, nguồn vốn lớn để đầu tư. Trong điều kiện diện tích cây trồng ngày càng tăng, giá cả vật tư, cây giống cũng tăng thì mức vay 50 triệu đồng chỉ đủ mua một lần phân bón, mua cây giống, chưa kể phải đầu tư thêm nông cụ phục vụ sản xuất. Ðối với những cây trồng phải 7 - 10 năm mới cho thu hoạch thì sau 5 năm (thời điểm chấm dứt khoản vay), không ít hộ dân phải “bán non” sản phẩm để trả nợ hoặc vay “nóng” bên ngoài để đảo nợ. Do đó, việc nâng hạn mức cho vay tối đa lên 100 triệu đồng/hộ không phải bảo đảm tiền vay và thời gian vay đến 10 năm đã kịp thời đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển sản xuất, mở ra cơ hội lớn cho người nghèo đầu tư phát triển sản xuất.

Năm 2016, gia đình anh Giàng A Sàng, ở bản Trung Dình, xã Huổi Lèng (huyện Mường Chà) được vay 50 triệu đồng của NHCSXH để đầu tư trồng rừng. Song số vốn trên chỉ đủ đầu tư trồng được hơn 4ha rừng, còn lại hơn 2ha đất rừng gia đình không có vốn trồng tiếp. Sau khi NHCSXH huyện triển khai nâng hạn mức cho vay, anh Sàng đã vay vốn với mức tối đa là 100 triệu đồng để tiếp tục đầu tư trồng rừng mới và chăm sóc diện tích rừng đã trồng trước đó.

Là bộ đội phục viên, anh Phạm Bá Tiến, bản Na Ten, xã Hua Thanh (huyện Ðiện Biên) chọn con đường lập nghiệp bằng trồng cây ăn quả. Nhưng kinh tế eo hẹp nên anh chỉ chăm sóc những gốc cam có sẵn trong vườn của gia đình. Thế rồi, nguồn vốn chính sách được khơi thông, anh Tiến là một trong những người đầu tiên trong xã làm đơn xin vay vốn theo hạn mức mới. Ðược vay 90 triệu đồng từ NHCSXH huyện Ðiện Biên, anh đã mở rộng trang trại, trồng cam, bưởi da xanh và nuôi thả cá. Ðịnh hướng của gia đình anh là xây dựng trang trại tổng hợp theo hướng VietGAP nhằm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, phát triển kinh tế bền vững.

Ðược biết, trong hơn 20 chương trình mà NHCSXH tỉnh đang triển khai thực hiện, các chương trình như: Cho vay hộ nghèo, cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo... đang lan tỏa những hiệu ứng tích cực. Ðây vừa là sự hỗ trợ trực tiếp thông qua nguồn vốn, vừa là sự động viên, khích lệ khi thể hiện cụ thể sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước và các cấp chính quyền qua các chính sách ưu đãi. Thống kê của NHCSXH tỉnh cho thấy, đến hết năm 2019, dư nợ các chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo toàn tỉnh đạt hơn 1.900 tỷ đồng (tăng gần 200 tỷ đồng so với năm 2018), với gần 52.000 khách hàng. 

Nói về ý nghĩa của việc nâng hạn mức và thời hạn cho vay đối với các chương trình trên, bà Nguyễn Thị Thủy, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng, NHCSXH Ðiện Biên cho biết: Việc nâng mức cho vay và thời hạn cho vay, nhưng lãi suất không thay đổi phù hợp với quá trình sinh trưởng, phát triển của các đối tượng đầu tư dài hạn, giúp các hộ nghèo có điều kiện tiếp cận vốn vay tín dụng ưu đãi để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Mức cho vay và thời hạn cho vay cụ thể đối với từng hộ vay được căn cứ vào mục đích sử dụng vốn vay, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, vốn tự có, khả năng trả nợ của hộ vay và nguồn vốn cho vay của NHCSXH. Những trường hợp đã vay vốn các chương trình tín dụng nêu trên đang sử dụng vốn vay có hiệu quả, thực hiện trả lãi đúng kỳ hạn theo thỏa thuận. Nếu hộ dân có nhu cầu vay thêm vốn để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh khả thi cũng được NHCSXH tạo điều kiện để tiếp cận nguồn vốn vay bổ sung nhưng mức dư nợ không vượt quá 100 triệu đồng/hộ.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top