Tập trung phòng trừ sâu bệnh hại lúa đông xuân

08:18 - Thứ Hai, 24/02/2020 Lượt xem: 10680 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, nông dân cơ bản đã hoàn thành việc gieo cấy lúa đông xuân. Các trà lúa đang sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, qua kiểm tra đồng ruộng, cơ quan chuyên môn đã phát hiện một số loại sâu bệnh gây hại cho cây lúa. Do vậy, cùng với việc chăm sóc, các địa phương đang tập trung chỉ đạo bà con nông dân theo dõi phòng trừ sâu bệnh...

Nông dân xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên) phun phòng bệnh đạo ôn lá trên lúa đông xuân.

Vụ đông xuân năm nay, toàn tỉnh đã gieo cấy khoảng 9.230ha lúa, đạt 95% kế hoạch. Lúa trà sớm đang ở giai đoạn đẻ nhánh rộ và kết thúc đẻ nhánh (4.945ha); lúa trà chính vụ ở giai đoạn mũi chông - đẻ nhánh rộ (3.755ha) và lúa trà muộn đang ở giai đoạn mũi chông (530ha). Hiện nay, trên các trà lúa đã xuất hiện một số loại sâu bệnh gây hại. Ðối tượng ốc bươu vàng gây hại chủ yếu trên trà lúa chính vụ. Bệnh tuyến trùng rễ có diện tích nhiễm tăng nhẹ tại một số khu vực thiếu nước, khô hạn; bệnh nghẹt rễ, vàng lá sinh lý tiếp tục gây hại nhẹ. Ðặc biệt, bệnh đạo ôn lá bắt đầu xuất hiện và gây hại trên các trà lúa sớm và chính vụ tại các huyện: Ðiện Biên, Mường Chà, Mường Nhé. Sâu keo mùa thu xuất hiện gây hại tại một số diện tích lúa đông xuân ở huyện Ðiện Biên Ðông và TP. Ðiện Biên Phủ.

Ông Bùi Ngọc Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Ðến ngày 18/2, các loại sâu bệnh gây hại trên lúa đông xuân đang ở mức độ dưới ngưỡng. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố về việc chủ động phòng trừ phòng bệnh hại lúa đông xuân; Chi cục Bảo vệ thực vật đã có văn bản hướng dẫn phòng, chống sâu bệnh hại lúa đông xuân. Trong đó, các địa phương đặc biệt lưu ý và quyết liệt triển khai các biện pháp phòng trừ đối với 2 đối tượng sâu bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến quy trình phát triển và quyết định tới năng suất, sản lượng lúa đông xuân là bệnh đạo ôn lá và sâu keo mùa thu. Ðối với loại bệnh này, các địa phương cần vận động người dân bám sát đồng ruộng, cập nhật tình hình thời tiết, dự báo sinh vật gây hại. Ðồng thời, hướng dẫn nông dân phun phòng trừ kịp thời trên những diện tích chớm xuất hiện. Sâu keo mùa thu đã gây hại trên diện tích khoảng 0,3ha tại huyện Ðiện Biên Ðông. Với đối tượng này, các địa phương cần mở rộng tuyến điều tra trên các diện tích lúa gần bìa rừng, giáp ranh với các nương ngô, các chân ruộng trồng ngô vụ trước. Ðặc biệt, chú ý đến các kẽ lá, gốc lúa có vết cắn trên lá, tập trung điều tra vào sáng sớm và chiều mát để dễ phát hiện. Khi phát hiện diện tích bị nhiễm, người dân cần tiến hành các biện pháp phòng trừ hiệu quả đối với các đối tượng gây hại.

Năm nay, huyện Ðiện Biên gieo cấy 4.120,3 ha lúa đông xuân. Một số diện tích lúa trà sớm, trà chính vụ tại các xã như: Thanh Xương, Thanh Yên, Thanh Chăn, Thanh An với diện tích xuất hiện bệnh đạo ôn lá 275ha, trong đó diện tích trà sớm 75ha, trà chính vụ 200ha. Hiện nay, UBND huyện Ðiện Biên đã có văn bản chỉ đạo UBND các xã tập trung phòng trừ bệnh đạo ôn lá trên lúa đông xuân; Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ðiện Biên đã hướng dẫn chính quyền các xã biện pháp phòng trừ. Ông Lò Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Xương cho biết: Ðến thời điểm này, UBND xã đã hướng dẫn, đôn đốc, chỉ đạo nông dân chủ động chăm sóc, điều tiết nước hợp lý, vệ sinh đồng ruộng và theo dõi chặt chẽ các đối tượng sinh vật gây hại. Cán bộ khuyến nông tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện các đối tượng sinh vật gây hại, đặc biệt là hướng dẫn nông dân phòng trừ bệnh đạo ôn lá bằng các biện pháp kỹ thuật chính như: Phòng trừ sớm khi bệnh chớm xuất hiện. Khi ruộng bị nhiễm bệnh ngừng bón phân hóa học, không phun các loại phân bón lá và thuốc kích thích sinh trưởng; không để ruộng khô hạn, giữ mực nước trong ruộng từ 3 - 5cm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”, tránh phun thuốc tràn lan. Sau khi phun từ 5 - 7 ngày kiểm tra nếu còn thấy vết bệnh mới cần phun tiếp để tiêu diệt triệt để nguồn bệnh. Hiện nay, 100% diện tích lúa của xã Thanh Xương đã được phun phòng trừ bệnh đạo ôn lá.

Tại huyện Ðiện Biên Ðông, việc phòng trừ sâu keo mùa thu hại lúa cũng được chính quyền địa phương triển khai quyết liệt và đạt kết quả tích cực. Ông Vũ Ngọc Hoành, Phó Chủ tịch UBND huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Ngày 6/2 vừa qua, qua kiểm tra đồng ruộng, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã phát hiện đối tượng sâu keo mùa thu gây hại trên diện tích 0,29ha lúa đông xuân tại bản Huổi Dụa, xã Phình Giàng. Ngay sau khi phát hiện, UBND huyện đã chỉ đạo cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp xuống cơ sở, phối hợp với UBND xã Phình Giàng, cán bộ khuyến nông, trưởng thôn, bản và 4 hộ có diện tích lúa bị nhiễm bệnh tiến hành các biện pháp phun phòng trừ trên tổng diện tích 0,29ha. Ðến ngày 13/2, đánh giá kết quả phòng trừ, tỷ lệ sâu keo mùa thu chết đạt trên 95%. Hiện nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tiếp tục theo dõi và hướng dẫn người dân các biện pháp phòng trừ sâu keo mùa thu hại lúa đông xuân.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top