Ðảm bảo sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh ảnh hưởng dịch Covid-19

08:42 - Thứ Năm, 09/04/2020 Lượt xem: 8927 In bài viết

ĐBP - Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong những tháng đầu năm 2020, sản xuất nông nghiệp của tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như: Dịch tả lợn châu Phi mặc dù đã được khống chế nhưng vẫn tác động không nhỏ đến việc tái đàn; tình trạng hạn hán kéo dài; gần đây là ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của tỉnh và sự sát sao của ngành Nông nghiệp, các mục tiêu về sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi thủy sản, lâm nghiệp… đều thực hiện đạt kế hoạch, mục tiêu đề ra. Toàn tỉnh đã gieo cấy hơn 9.520ha lúa đông xuân; sản lượng mủ cao su (quy khô) khai thác hết quý I ước đạt 246 tấn (tăng hơn năm trước 132 tấn). Chăn nuôi, thủy sản, trong quý I tiếp tục phát triển ổn định: Ðàn gia cầm, đặc biệt là đàn gà phát triển nhanh; chăn nuôi lợn đang có xu hướng tăng trở lại sau khi dịch tả lợn châu Phi được khống chế.

Thời gian qua đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh vẫn phát triển mạnh. Trong ảnh: Nông dân huyện Ðiện Biên chăm sóc đàn gà.

Do quy mô, diện tích, sản lượng của mỗi loại nông sản còn ít, thị trường tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh và một phần xuất bán ra các tỉnh ngoài nên hầu như chưa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Các hoạt động tổ chức sản xuất, bảo quản, tiêu thụ vẫn diễn ra bình thường, ít bị gián đoạn. Trong đó một số mặt hàng nông sản như: Gạo, dứa, chè, cà phê… có sự tăng trưởng cả về số lượng và giá trị trong mùa dịch Covid-19; đặc biệt giá một số loại gạo tăng gấp 1,5 lần. Cùng thời điểm này năm 2019, giá bán gạo tám đạt 17.000 đồng/kg thì từ đầu năm 2020 đến nay giá gạo trên 20.000 đồng/kg. Ðối với sản phẩm dứa quả, từ ngày 1/4 các hoạt động kinh doanh, vận tải, nhất là vận tải liên tỉnh bị hạn chế do thực hiện các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng không vì thế mà giá cả bị ảnh hưởng. Hiện nay, đang bước vào đầu vụ thu hoạch nhưng giá dứa đạt từ 5.000 - 6.000 đồng/kg, cao hơn 2.000 đồng/kg so với năm 2019.

Theo ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để thúc đẩy phát triển nông - lâm nghiệp trong điều kiện dịch Covid-19 chưa dự báo được thời điểm kết thúc và những khó khăn, thách thức hiện nay đang phải đối mặt như: Hạn hán; dịch, bệnh gia súc, gia cầm; nguy cơ cháy rừng cao…  Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp tập trung khắc phục khó khăn, thực hiện đảm bảo các chỉ tiêu sản xuất. Chính quyền các cấp tập trung chỉ đạo, nêu cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu; sớm nhận diện, xác định rõ những khó khăn, thách thức đối với lĩnh vực nông, lâm nghiệp để đưa ra các giải pháp phù hợp đảm bảo vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả, vừa đẩy mạnh phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; chủ động phát hiện những lợi thế để biến “nguy” thành “cơ”.

Chính quyền địa phương tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn nông dân các biện pháp chăm sóc cây trồng vụ đông xuân, đặc biệt là hơn 9.520ha lúa đông xuân đã gieo cấy. Thường xuyên cập nhật, theo dõi diễn biến thời tiết, chủ động chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chống hạn cho lúa trong điều kiện nắng hạn kéo dài; tiếp tục chỉ đạo, giám sát chặt chẽ và tổ chức thực hiện các giải pháp tổng thể trong phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi. Tăng cường tổ chức, củng cố lại chăn nuôi nông hộ theo hướng an toàn sinh học, bền vững; chú trọng phát triển chăn nuôi đại gia súc gắn với trồng cỏ trên đất dốc làm thức ăn chăn nuôi đối với những địa phương có thế mạnh như: Ðiện Biên, Tuần Giáo, Nậm Pồ, Ðiện Biên Ðông, Mường Nhé… Ðẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình mỗi xã một sản phẩm; trong đó chú trọng phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, lợi thế theo hướng hàng hóa tập trung gắn với chuỗi liên kết giá trị bền vững... Ðối với các đơn vị sản xuất, cung ứng dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn cần chủ động chuẩn bị tốt nguồn giống, vật tư cho sản xuất và ưu tiên bổ sung cho vùng khó khăn. Các cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm chủ động các phương án đảm bảo đáp ứng đủ lượng lương thực, thực phẩm và có dự trữ cho lực lượng phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và nhân dân.

Ngành Nông nghiệp tỉnh căn cứ diễn biến thời tiết, dịch bệnh Covid-19 và điều kiện sản xuất của địa phương, chủ động xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất, điều chỉnh cơ cấu sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản cho phù hợp với thực tiễn, không để sản xuất bị ảnh hưởng, gián đoạn. Thường xuyên chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19; tăng cường theo dõi, nắm bắt tiến độ, tình hình sản xuất để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các giải pháp khắc phục, thúc đẩy sản xuất đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn.

Thu Phương
Bình luận
Back To Top