Phát huy vai trò của hợp tác xã trong liên kết sản xuất

09:06 - Thứ Tư, 29/04/2020 Lượt xem: 10015 In bài viết

ĐBP - Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp có vai trò quan trọng của hợp tác xã (HTX). Những năm gần đây, từ hoạt động hiệu quả của HTX nông nghiệp đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thực hiện tiêu chí đổi mới hình thức tổ chức sản xuất ở địa phương.

Người dân bản Na Sang tập kết dứa xuất bán cho Công ty TNHH Xuất khẩu nông sản Tấn Phát.

Bao tiêu sản phẩm

Hiện nay, toàn tỉnh có 130 HTX, 400 tổ hợp tác nông nghiệp và 37 trang trại được cấp chứng nhận. Ðược sự quan tâm, khuyến khích và tạo điều kiện của các cấp, ngành trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, các HTX đã tích cực tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung; áp dụng quy trình, công nghệ sản xuất nông sản an toàn theo hướng VietGAP…

Thực tế cho thấy, đối với người dân tham gia mô hình hợp tác xã kiểu mới, tính liên kết sẽ bền vững hơn. Nếu như trước đây, việc liên kết thu mua sản phẩm nông nghiệp, doanh nghiệp phải ký hợp đồng với từng hộ dân, việc ký hợp đồng với cả ngàn nông hộ nhỏ lẻ gặp nhiều khó khăn, mất thời gian cho công tác quản lý. Còn khi tham gia vào HTX, nông dân được HTX hướng dẫn tổ chức sản xuất, cung ứng vật tư đầu vào, thực hiện các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và ký hợp đồng tiêu thụ.

Chị Nguyễn Thị Hiên, bản C2, xã Thanh Yên (huyện Ðiện Biên) cho biết: Gia đình tôi có 3.000m2 ruộng 2 vụ. Gần 4 năm nay, tôi tham gia liên kết sản xuất với HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Yên. HTX cung ứng giống, nông dân sản xuất theo quy trình của HTX nên năng suất, sản lượng luôn ổn định. Ðặc biệt, kết thúc mùa vụ, HTX tổ chức thu mua toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường cùng thời điểm. Tuy giá cả hàng năm có biến động nhưng liên kết với HTX, người nông dân luôn được đảm bảo lợi nhuận.

Hiện nay, HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Yên đã xây dựng thành công chuỗi liên kết gia tăng giá trị các sản phẩm gạo IR64, Bắc thơm số 7 và Séng cù với tổng diện tích 150ha, liên kết với 110 hộ dân xã Thanh Yên. HTX cung cấp sản phẩm gạo ra thị trường thông qua các kênh phân phối bán lẻ tại các siêu thị của một số tỉnh, thành phố ở miền Bắc; tổng sản lượng gạo bán ra hàng năm đạt 500 tấn.

Ông Nguyễn Ðình Tới, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Yên cho biết: Tham gia liên kết sản xuất, người dân yên tâm sản xuất và bán sản phẩm cho HTX. HTX cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật, kiểm soát quy trình và đảm bảo thu mua 100% sản phẩm của các hộ tham gia liên kết. Sau 5 năm hoạt động, từ diện tích liên kết 50ha ban đầu, đến nay diện tích vùng nguyên liệu của HTX đã tăng gấp 3 lần. Dự kiến, thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục mời gọi thêm các hộ dân tham gia liên kết để mở rộng quy mô vùng nguyên liệu.

Năm 2019, HTX H’Mông được thành lập, chuyên sản xuất, thu mua nông sản của người dân trên địa bàn xã Trung Thu (huyện Tủa Chùa). Ðến nay, HTX đã liên kết với 90 hộ dân các bản: Phô, Trung Vàng Khổ, Pu Ca Dao, Háng Cu Tâu, Nhè Sua Háng chuyển đổi 23,8ha nương lúa, ngô sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn như: Su su, chanh leo, khoai sọ, bí.

Ông Dương Văn Anh, Giám đốc HTX H’Mông cho biết: HTX ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm rau an toàn với các nhà trường, tổ chức, doanh nghiệp và các bếp ăn tập thể trên địa bàn huyện. Có đầu ra ổn định, HTX phối hợp với UBND xã Trung Thu tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nương từ trồng lúa, ngô nương sang trồng rau. Qua 1 năm triển khai, các hộ tham gia liên kết đều có thu nhập ổn định, hiệu quả kinh tế cao gấp 3 - 4 trồng lúa nương.

Ðồng hành lúc khó khăn, dịch bệnh

Là thành viên HTX Na Sang (xã Na Sang, huyện Mường Chà) được 2 năm nay ông Lý A Dơ cho biết: Vụ dứa đầu tiên, tôi chưa chủ động được giống, HTX Na Sang hỗ trợ gần 1 vạn cây dứa giống. Thời điểm cần bón thúc phân bón, gia đình khó khăn, HTX đã đứng ra mua giúp 3 tấn phân bón từ công ty cung ứng tại tỉnh Lào Cai giúp gia đình. Cuối vụ, HTX Na Sang đã liên kết với các đơn vị thu mua bao tiêu dứa. Nhờ sự đồng hành, giúp đỡ của HTX Na Sang, gia đình tôi đã vượt qua được giai đoạn khó khăn ban đầu, đến nay gia đình tôi đã chuyển đổi thành công 3ha dứa, thu nhập 60 - 70 triệu đồng/năm.

Ông Lý A Hành, bản Na Sang, xã Na Sang cho biết : Vụ thu hoạch dứa năm nay đúng thời điểm dịch bệnh Covid-19, cả nước thực hiện giãn cách xã hội. Ðơn vị thu mua dứa thực hiện cắt giảm nhân công, dây chuyền sản xuất nên không mua dứa của người dân. Hàng chục héc ta dứa không bán được, để chín thối trên nương. Trước thực trạng đó, HTX đã kết nối, liên hệ với Công ty TNHH Xuất khẩu nông sản Tấn Phát để tiêu thụ sản phẩm cho xã viên. Trong giai đoạn sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng HTX vẫn cố gắng tiêu thụ giúp người dân khoảng 100 - 200 tấn dứa/ngày, giúp nông dân tránh một vụ mùa thất bại.

Ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc HTX Na Sang cho biết: Ðầu vụ dứa hàng năm, các thành viên HTX có nhu cầu về giống, phân bón sẽ đăng ký số lượng với HTX. Trên cơ sở đó, HTX sẽ liên hệ với đơn vị phân phối để lấy đủ số lượng cho bà con. Do 100% thành viên HTX đều là người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh khó khăn nên HTX tạo điều kiện để cuối vụ bà con thu hoạch xong mới thanh toán tiền. Ðồng thời HTX đẩy mạnh tìm kiếm thị trường, ký kết hợp đồng với các công ty xuất khẩu nông sản để ổn định đầu ra sản phẩm. Hiện nay HTX Na Sang đã ký hợp đông tiêu thụ sản phẩm dứa với Công ty TNHH Xuất khẩu nông sản Tấn Phát trong 5 năm với sản lượng 1.000 tấn dứa/năm.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top