Những nông dân thời đại 4.0

11:22 - Thứ Năm, 30/04/2020 Lượt xem: 9289 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây, các vùng nông thôn của tỉnh ta dần xuất hiện những mô hình kinh tế nông nghiệp với phương thức sản xuất, kinh doanh mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ở đó, những nông dân thời đại 4.0 đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thay đổi phương thức sản xuất, tiếp cận thị trường... nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, từng bước cải thiện đời sống và làm giàu từ chính đồng đất quê hương.

Thành viên HTX Ong mật Ðiện Biên kiểm tra các tổ ong. 

Phát triển từ lợi thế tự nhiên

HTX Thủy sản Pe Luông là một trong những đơn vị đi đầu trong nuôi cá lồng tại Ðiện Biên. Với việc tận dụng lợi thế mặt nước hồ Pe Luông, HTX đã đầu tư phát triển 30ha nuôi cá lồng với các loại giống: Trắm cỏ, rô phi đơn tính, chép lai, trê lai… trong hàng chục lồng bè. Sản lượng cá thương phẩm chủ yếu cung cấp cho thị trường TP. Ðiện Biên Phủ và một số huyện, thị trong tỉnh. Hoạt động của HTX ngày càng ổn định, do vậy doanh thu và lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước; đời sống gia đình xã viên vì thế cũng được nâng lên. Chưa bằng lòng với kết quả đạt được, HTX còn đang tích cực tìm hướng đi mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, giá trị sản phẩm.

Chúng tôi cùng ông Nguyễn Thế Nghi, Giám đốc HTX Thủy sản Pe Luông lên thăm những lồng cá trên mặt hồ. Ðang vào mùa khô lòng hồ tương đối cạn nhưng trong những lồng nuôi cá đầy ăm ắp. Ông Nghi chia sẻ: Năm 2016, HTX thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi thương phẩm cá tầm trong lồng, bè tại hồ thủy lợi Pe Luông, huyện Ðiện Biên”. Sau thời gian thử nghiệm, cá tầm phát triển tốt, thích nghi với điều kiện sống của hồ thủy lợi Pe Luông, tỷ lệ sống đạt khoảng 70%, trọng lượng trung bình đạt 3 - 3,5kg/con. Khi dự án kết thúc vào năm 2018, tôi vẫn tiếp tục mô hình nuôi cá tầm thương phẩm và mô hình này thực sự mang lại hiệu quả kinh tế. Sản phẩm cá tầm cung ứng ra thị trường được khách hàng đánh giá cao vì chất lượng thịt thơm ngon, đảm bảo độ tươi vì không mất thời gian vận chuyển. Hầu như sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đấy, chưa phải lo về vấn đề đầu ra cho sản phẩm. Cùng với đó, hiện nay tôi đang triển khai nuôi cá chép giòn thương phẩm. Với uy tín về chất lượng, sản phẩm mới này dần chiếm lĩnh thị trường TP. Ðiện Biện Phủ và được người tiêu dùng ưa chuộng. Từ thành công của sản phẩm cá chép giòn, tôi đang nghiên cứu việc nuôi ra cá rô phi giòn và sau đó là cá tầm giòn để nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trên cùng một diện tích mặt nước. Qua tham khảo trên mạng internet cũng như kinh nghiệm từ những kỹ sư thủy sản, hướng đi này không quá khó, nhưng cần sự đầu tư về thời gian, công sức, trí tuệ. Ngoài ra, HTX cũng đang thử nghiệm việc nuôi giống cá lăng Pa Thơm. Giống cá này không yêu cầu quá cao về kỹ thuật chăm sóc, có thể sinh trưởng và phát triển trong môi trường khắc nghiệt hơn so với cá tầm mà hiệu quả kinh tế có thể cao hơn nếu nuôi thành công. Ðiều khó khăn là nguồn con giống cá lăng này không có nhiều, phải nhờ người tìm kiếm từ Pa Thơm nên chưa thể tiến hành nuôi đại trà.

Hành trình đi tìm thương hiệu

Mới thành lập và đi vào hoạt động chưa lâu nhưng HTX Ong mật Ðiện Biên, xã Sam Mứn (huyện Ðiện Biên) đã dần có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng bởi nhiều sản phẩm chất lượng, độc đáo. Ðặc biệt, HTX còn có 2 sản phẩm đạt 4 sao về đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP là mật ong hoa ban và mật ong bánh tổ. Ðạt được những kết quả đó là nhờ vào tinh thần khởi nghiệp, dám nghĩ, dám làm của chàng trai Nguyễn Tiến Ðạt, Giám đốc HTX Ong mật Ðiện Biên. Vốn là người sợ ong từ nhỏ nhưng chẳng hiểu cơ duyên nào lại đưa đẩy anh trở lại với nghề đã gắn bó với gia đình từ lâu năm. Từng tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin và làm công việc này một thời gian, anh sớm nhận ra đây không phải là đam mê của mình. Trở lại quê nhà, anh bắt đầu mày mò tìm hiểu, nghiên cứu về mật ong và các sản phẩm từ ong. Trong công việc mới này anh có thêm sự trợ giúp đắc lực của 2 người cậu mình - những “bậc thầy” trong làng nuôi ong của huyện Ðiện Biên.

Dẫn chúng tôi đi tham quan khu vực nuôi ong, anh Ðạt tâm sự: Nhận thấy Ðiện Biên có lợi thế để nuôi ong bởi có nhiều rừng hoa tự nhiên. Mật ong Ðiện Biên lại có vị ngon riêng, được kết tinh từ các loại hoa rừng đặc trưng của Tây Bắc. Nhưng điều đáng tiếc là các sản phẩm chất lượng tốt như vậy lại chưa tiếp cận được thị trường, đến tay người tiêu dùng. Ý nghĩ ấy thôi thúc tôi quyết định thành lập HTX Ong mật để xây dựng một thương hiệu cho sản phẩm của mình. Hiện nay HTX có 13 xã viên với 5 hộ gia đình “chủ lực” nuôi ong với đa dạng các sản phẩm, như: Mật ong hoa rừng, mật ong hoa nhãn, hoa cỏ Lào… với sản lượng gần 100 tấn mật/năm. Các sản phẩm của HTX đều được công nhận là sản phẩm sản xuất theo quy trình nuôi ong sạch. Trong đó, mật ong hoa ban và mật ong bánh tổ là sản phẩm độc đáo của HTX và đã được công nhận 4 sao sản phẩm OCOP. Các thành viên HTX cũng đã đi trước một bước trong việc nghiên cứu nuôi ong thùng kế, tạo ra sản phẩm có chất lượng mật cao hơn và được các nước châu Âu ưa chuộng. HTX đang có khoảng 100 tổ ong nuôi theo phương pháp này. Nếu thành công thì thương hiệu Ong mật Ðiện Biên còn có thể vươn xa ra ngoài biên giới Việt Nam, xuất khẩu ra các thị trường lớn hơn. Tuy nhiên vì mới thành lập nên trước mắt HTX đang phải thực hiện mục tiêu “lấy ngắn, nuôi dài”, tạm thời bán sản phẩm thô cho các đơn vị lớn ở trong và ngoài tỉnh. Cùng với đó là tiếp tục phát triển các kênh khách hàng, kết nối với các đơn vị phân phối để từng bước đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Khi đã khẳng định được thương hiệu, HTX sẽ đưa các sản phẩm của mình gia nhập vào các chuỗi cửa hàng, siêu thị tại các thành phố lớn trong cả nước.

Hiện tại toàn tỉnh có hơn 200 HTX hoạt động trong nhiều lĩnh vực nông - lâm, thủy sản; xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng; giao thông vận tải, công thương và sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ… Không chỉ vậy, có rất nhiều nông dân đã và đang tìm tòi, học hỏi để sản xuất nông nghiệp bắt kịp với xu thế phát triển của xã hội. Những điển hình trên chỉ là 2 trong số những nông dân của thời đại 4.0 đang từng bước thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm trong sản xuất nông nghiệp. Cách làm mới của họ đã nâng cao được chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp phù hợp với yêu cầu khắt khe của cơ chế thị trường. Ðây có thể xem là “chìa khóa” để mở cánh cửa thành công trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình hiện đại hóa nông nghiệp của tỉnh nhà.

Diệp Chi
Bình luận
Back To Top