Hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh

08:36 - Thứ Tư, 13/05/2020 Lượt xem: 7180 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, toàn tỉnh có gần 1.300 doanh nghiệp (trong đó, 97,32% là doanh nghiệp nhỏ và vừa); hơn 18.100 hộ kinh doanh đăng ký hoạt động. Khi xảy ra dịch Covid-19, cũng như tình hình chung cả nước, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng, tình hình sản xuất kinh doanh giảm sút. Các doanh nghiệp đều đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như: Thiếu hụt lao động, gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào, gây đình trệ các hoạt động, không đạt kế hoạch và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Do đó, thời gian qua nhiều doanh nghiệp trên địa bàn phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động. Trước tình hình đó, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng triển khai các giải pháp, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh phục hồi và đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, hành khách bị ảnh hưởng nặng do dịch Covid-19. Trong ảnh: Bến xe khách tỉnh hoạt động trở lại sau thời gian tạm dừng để phòng chống dịch Covid-19.

Ông Bùi Ðức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Hiệp hội có 120 hội viên, hoạt động trong 4 lĩnh vực gồm: Xây dựng; thương mại - du lịch - dịch vụ; giao thông vận tải; chế biến lâm sản, nông sản. Trong quý I, có 90% doanh nghiệp thuộc Hội phải giảm quy mô sản xuất kinh doanh và một số doanh nghiệp phải chuyển đổi ngành nghề kinh doanh. Trong đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng doanh thu giảm từ 30% - 50%; giao thông, vận tải giảm trên 70%; đặc biệt các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ giảm doanh thu trên 80%.

Quý I/2020, các đơn hàng xuất khẩu cao su thiên nhiên của Công ty cổ phần Cao su Ðiện Biên đã giảm hơn 30%; các hợp đồng dài hạn có xu hướng tạm hoãn nhận hàng hoặc hủy bỏ giao kèo đã ký kết trước đó. Ðiều này dẫn đến lượng hàng tồn kho tăng cao so với năm trước từ 40% - 50%, gây phát sinh chi phí lưu kho, làm tăng giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, hiện nay Công ty có 500 lao động ký hợp đồng dài hạn. Thực hiện các quy định của Chính phủ, của tỉnh về phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian qua, công ty phải cho nghỉ 400 lao động để tránh các hoạt động tụ tập đông người. Trong quá trình nghỉ việc, Công ty vẫn hỗ trợ lương và đóng bảo hiểm đối với 500 lao động dài hạn. Ðiều đó cũng ảnh hưởng tới doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp giảm, kéo theo thu nhập của người lao động cũng giảm.

Không chỉ cộng đồng doanh nghiệp mà các hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể cũng bị ảnh hưởng không nhỏ, nhất là những hộ kinh doanh các mặt hàng, dịch vụ không thuộc diện thiết yếu như: Nhà hàng, quán ăn, karaoke… Anh Nguyễn Văn C. chủ cơ sở kinh doanh nhà hàng ăn uống trên địa bàn phường Mường Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ cho biết: “Kinh doanh cửa hàng ăn uống bị ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19. Trước khi có chỉ thị của Thủ tướng về giãn cách xã hội thì lượng khách hàng đã giảm do tâm lý e ngại dịch bệnh của người dân. Ðặc biệt từ ngày 1/4 thực hiện quy định về tạm dừng các cơ sở, cửa hàng kinh doanh không thiết yếu thì doanh thu của cửa hàng bằng không.”

Ðể hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi sản xuất kinh doanh, thời gian qua UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ theo chỉ đạo của Chính phủ. Một trong những ngành vào cuộc khá sớm là ngành Ngân hàng. Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Ðiện Biên, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã rà soát, nắm bắt thông tin từ phía khách hàng để có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về tín dụng trong sản xuất, kinh doanh. Hiện nay các ngân hàng thương mại đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; điều chỉnh giảm lãi suất đối với khoản vay đã đến kỳ hạn định giá lại. Ðiển hình như Agribank Ðiện Biên, đến 30/4 đã hỗ trợ là 151 khách hàng với tổng dư nợ 511 tỷ đồng; hết quý I/2020, BIDV Ðiện Biên đã giảm lãi vay cho hơn 80% dư nợ khối khách hàng doanh nghiệp…

Mới đây nhất, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19; Công văn của Văn phòng Chính phủ về điều chỉnh giảm giá nước sinh hoạt, giá dịch vụ, phí, lệ phí, ngày 6/5 UBND tỉnh đã ban hành công văn về việc miễn, giảm giá nước. Theo đó, tại khu cách ly tập trung (được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập) được miễn 100%; các hộ nghèo, hộ cận nghèo, làng trẻ SOS, Trung tâm Bảo trợ xã hội và gia đình chính sách trên địa bàn toàn tỉnh (được Nhà nước công nhận) giảm 50% giá nước trước thuế VAT. Ðối với khách hàng sử dụng nước sạch với mục đích kinh doanh dịch vụ tại khu vực TP. Ðiện Biên Phủ và huyện Ðiện Biên được giảm 30% giá nước trước thuế VAT; tại thị xã Mường Lay và các huyện Mường Ảng, Mường Chà, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Ðiện Biên Ðông giảm 15% giá nước trước thuế VAT. Khu vực huyện Mường Nhé không thực hiện giảm giá nước, giá nước hiện tại vẫn thu theo giá nước thô đã qua lắng lọc quy định tại Quyết định số 16/2019/QÐ-UBND ngày 3/5/2019 của UBND tỉnh là 5.500 đồng/m3 (bằng 70% giá nước sạch tại các huyện khác). Thời gian thực hiện miễn giảm giá nước trên địa bàn tỉnh là 3 tháng (từ tháng 4 - 6/2020).

Tương tự, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá và xây dựng thương hiệu trong môi trường trực tuyến đồng thời giúp doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các sản phẩm chủ lực, mới đây Sở Công Thương ban hành Kế hoạch Tổ chức triển khai thực hiện Ðề án “Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Ðiện Biên xúc tiến bán hàng online bằng phương thức tiếp thị đa kênh”. Qua đó sẽ xây dựng bộ nhận diện thương hiệu trực tuyến gồm: Website, hệ thống email, fanpage trên facebook, phục vụ cho hoạt động quảng bá sản phẩm và thương hiệu, giúp doanh nghiệp nắm bắt cơ hội kinh doanh, tăng lượng khách hàng tiềm năng cũng như ổn định và giữ chân khách hàng truyền thống; ứng dụng thành công thương mại điện tử.

Bài, ảnh: Thu Phương
Bình luận
Back To Top