Sự cẩn trọng cần thiết của NHNN

10:44 - Thứ Năm, 14/05/2020 Lượt xem: 7128 In bài viết

Quan điểm xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là đảm bảo thanh khoản cho các tổ chức tín dụng cung ứng vốn cho nền kinh tế; hỗ trợ giảm lãi suất trong giai đoạn hiện nay trên cơ sở cân nhắc các yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô phù hợp, mục tiêu kiểm soát lạm phát và an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng.

Theo ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, quyết định hạ đồng bộ các mức lãi suất của NHNN cùng với việc quyết liệt chỉ đạo tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay một cách bền vững thời gian tới, góp phần tích cực giảm bớt khó khăn cho nền kinh tế.

Theo ông Phạm Thanh Hà, lãi suất được điều chỉnh trên cơ sở đánh giá diễn biến thị trường quốc tế, nhiều Ngân hàng trung ương thực thi các biện pháp nới lỏng định lượng, cắt giảm mạnh lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua suy thoái; trong nước nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục tạo dư địa điều hành chính sách tiền tệ cho NHNN trong bối cảnh thị trường tiền tệ và ngoại hối ổn định, lạm phát có khả năng được kiểm soát theo mục tiêu, tăng trưởng kinh tế bị tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19.

NHNN tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 04/3/2020, Nghị quyết 41/NQ-CP ngày 09/4/2020 và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020. NHNN đã và đang triển khai các giải pháp điều hành kịp thời, có hiệu quả nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phục hồi sản xuất kinh doanh, hỗ trợ nền kinh tế, giảm thiểu tác động của dịch COVID-19.

Ông Phạm Thanh Hà cho biết thêm, quan điểm điều hành chính sách tiền tệ xuyên suốt của NHNN là đảm bảo thanh khoản cho các tổ chức tín dụng cung ứng vốn cho nền kinh tế; hỗ trợ giảm lãi suất trong giai đoạn hiện nay trên cơ sở cân nhắc các yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô phù hợp, mục tiêu kiểm soát lạm phát và an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng.

Theo đó, tiếp theo đợt điều chỉnh lãi suất tháng 03/2020, để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân giảm chi phí vay vốn, NHNN quyết định điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, trần lãi suất tiền gửi VND các kỳ hạn dưới 6 tháng và trần lãi suất cho vay ngắn hạn VND đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Theo ông Phạm Thanh Hà, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường trong và ngoài nước, kết quả triển khai các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất. Trên cơ sở đó, chủ động, linh hoạt thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, đảm bảo thanh khoản, an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Không chỉ đánh giá tích cực về thời điểm, mức giảm lãi suất thêm 0,5%/năm cũng được đánh giá là phù hợp. TS. Võ Trí Thành nhận định lạm phát bình quân vẫn còn cao. Cùng với diễn biến kinh tế thế giới còn nhiều biến động khó lường nên mức giảm 0,5%/năm là vừa phải vừa bám vào nguyên tắc hỗ trợ thiết thực nhưng đảm bảo không ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô.

TS. Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, NHNN vẫn khá thận trọng trong việc đánh giá những rủi ro có thể có trong tương lai đối với kinh tế toàn cầu cũng như kinh tế Việt Nam trước tác động của đại dịch COVID-19. “Quyết định trên cho thấy sự cẩn trọng của NHNN đề phòng những rủi ro có thể xảy ra đối với kinh tế trong nước và trên toàn cầu sau khủng hoảng COVID-19. Chẳng hạn, dịch COVID-19 vẫn còn kéo dài tại một số quốc gia thậm chí có thể bùng trở lại thành làn sóng thứ 2. Đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang có dấu hiệu nóng lên và có thể tác động xấu đến kinh tế toàn cầu trong trung hạn. Mức giảm các loại lãi suất điều hành của NHNN cũng cho thấy Chính phủ, NHNN vẫn muốn để dành dư địa cho việc nới lỏng hơn chính sách tiền tệ nếu thấy cần thiết trong thời gian tới”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận xét.

Mong mỏi của doanh nghiệp

Trong giai đoạn hiện nay, nhiều doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ lãi suất vay ưu đãi, cơ cấu lại nợ để có cơ hội tiếp cận thêm đa dạng nguồn vốn vay và có thể vay mới.

Còn theo ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí, việc giảm lãi suất là động thái hỗ trợ cho doanh nghiệp từ phía các cơ quan chức năng, nhưng chưa phải là điều quan trọng và tiên quyết giúp doanh nghiệp vươn lên. Bởi lẽ để tiếp cận được nguồn vốn này cũng không phải dễ dàng. Doanh nghiệp cần phải có tài sản thế chấp hoặc dự án như thế nào mới được vay. Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp cơ khí Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ.

Vì vậy, để doanh nghiệp thúc đẩy năng lực và sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế, rất cần các chính sách giãn nợ, giãn các nghĩa vụ thuế, đơn giản hơn nữa các điều kiện áp dụng để các chính sách ưu đãi đến được tay doanh nghiệp.

Ngoài ra, về thị trường, quy hoạch và tổ chức lại sản xuất ngành cơ khí chế tạo nói riêng và nhiều ngành kinh tế, công nghiệp nói chung, song song với mở rộng các quan hệ thương mại, giảm bớt sự phụ thuộc vào nước ngoài, Chính phủ cũng cần giải quyết dứt điểm các dự án dở dang, kém hiệu quả; cương quyết và sát sao như chống dịch để đưa các dự án vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu thị trường và tạo nguồn công việc cho doanh nghiệp. Có việc làm, doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế sẽ phục hồi và tăng trưởng nhanh.

Theo ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cao su Nhựa TP. Hồ Chí Minh, hiện nay "cứu doanh nghiệp như cứu hỏa" và muốn vậy chính sách hỗ trợ phải làm nhanh, nên hỗ trợ cho cả ngành thay vì hỗ trợ đối với từng doanh nghiệp. Để tiết giảm thời gian trong hậu kiểm thiệt hại, chỉ cần kiểm tra vấn đề nợ thuế, bảo hiểm xã hội và nợ ngân hàng của doanh nghiệp, sau đó giải ngân gói hỗ trợ.

Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh nêu thực trạng việc nhiều doanh nghiệp dệt may thành phố không có nguồn thu do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; trong đó, có không ít doanh nghiệp đã đóng cửa từ tháng 3/2020 nên không có tiền đề trả lương cho công nhân. Trong khi đây là điều kiện để xét duyệt hồ sơ vay vốn của ngân hàng. Vì thế ngân hàng nên cân nhắc xem xét hạ tiêu chí cho vay, cùng với đó có chính sách giảm lãi suất các khoản vay của doanh nghiệp trước thời điểm xảy ra dịch COVID-19 và cung cấp các khoản vay ưu đãi từ 6 - 12 tháng thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Đồng quan điểm, ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh cho rằng, trong điều kiện khó khăn hiện nay về nguyên liệu, thị trường xuất khẩu ngưng trệ, không có đầu ra, nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng. Trong khi đây là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Do vậy, hệ thống ngân hàng cần hạ chỉ tiêu cho vay đối với doanh nghiệp cũng như hỗ trợ về giảm lãi suất, giãn nợ... 

P.V (Theo baochinhphu.vn)
Bình luận
Back To Top