Sam Mứn phát triển mô hình chăn nuôi bò sinh sản

09:13 - Thứ Hai, 01/06/2020 Lượt xem: 7189 In bài viết

ĐBP - Xã Sam Mứn, huyện Ðiện Biên có diện tích rộng, nhiều đất nông - lâm nghiệp và nguồn thức ăn chăn nuôi gia súc dồi dào, phù hợp chăn thả trâu, bò. Với lợi thế sẵn có ấy, liên tục từ năm 2017 đến nay, xã triển khai thực hiện dự án nuôi bò sinh sản giống địa phương từ nguồn vốn Chương trình 135. Ðối tượng là hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo. Cụ thể, năm 2017 triển khai theo hình thức nuôi bò luân chuyển trong nhóm hộ cho 14 nhóm (28 hộ) với 14 con. Năm 2018 và 2019 thực hiện hỗ trợ bò cho 23 hộ với 23 con. Hầu hết các hộ sau thời gian 1 - 2 năm được hỗ trợ bò đều thoát nghèo, thoát nghèo bền vững.

Gia đình các chị: Lò Thị Xoan, Lò Thị Phong và Lò Văn Hoa (cùng bản Co Mỵ) được nhận bò đợt đầu năm 2017. Bò nhận về đã có chửa, không lâu sau hộ đầu tiên Lò Văn Hoa đã có bê và luân chuyển bò mẹ cho gia đình chị Lò Thị Xoan. Chị Xoan cho biết: “Tháng 9/2018, bò mẹ đẻ lứa thứ 2, giúp gia đình tôi có thêm tài sản lớn. Gia đình tôi có ít ruộng nương, công việc làm thuê không ổn định, nuôi các con ăn học khó khăn nên sau nhiều năm tách hộ, trong nhà vẫn không có đồ gì đáng giá. Khi có bò, cả nhà đều rất mừng, chăm sóc rất cẩn thận. Sang năm 2019, nhà tôi cũng đã thoát nghèo. Giờ bò ngày càng lớn và sắp có thể nhân giống, sẽ giúp gia đình thoát nghèo bền vững”. Ðược biết bò mẹ đã đẻ lứa thứ 3 cho gia đình chị Lò Thị Phong và chuẩn bị được luân chuyển vòng 2. Còn bò của gia đình anh Lò Văn Hoa cũng sắp đẻ lứa đầu tiên. Vậy là từ 1 bò mẹ ban đầu nay sắp nhân đàn lên 5 con.

Bà Trần Thị Tuất, đội 1 là hộ neo đơn, cận nghèo, năm nay đã 60 tuổi. Cuối năm 2019, bà được hỗ trợ 1 con bò. Bà Tuất cho biết: “Ðây là tài sản lớn, đảm bảo cho tuổi già sống một mình của tôi. Có nó, tôi đỡ lo lắng, vất vả về cuộc sống hơn”. Hàng ngày bà thả bò lên nương đi ăn cùng đàn bò, trâu trong đội. Bà dự định sau khi bò sinh sản sẽ bán đi 1 con để có tiền dành dụm, lo liệu lúc ốm đau.

Hiện toàn xã Sam Mứn có đàn bò khoảng 210 con. Có 2 nhóm hộ được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, tham quan mô hình chăn nuôi ngoài địa bàn theo Dự án Chăn nuôi thâm canh bò thịt trong hệ thống canh tác đất dốc vùng miền núi Tây Bắc do Viện Chăn nuôi triển khai. Xã cũng tranh thủ các nguồn lực, chương trình để hỗ trợ người dân phát triển đàn bò, học hỏi cách thức chăm sóc bò, kỳ vọng chăn nuôi bò sinh sản sẽ là một trong những mô hình hiệu quả giúp địa bàn xóa đói giảm nghèo.

Thực tế, qua các chương trình, dự án, các mô hình như trên đã giúp tỷ lệ hộ nghèo xã Sam Mứn giảm nhanh qua từng năm. Năm 2016, toàn xã có 470 hộ nghèo, chiếm khoảng 40% tổng số hộ; đến nay còn 135/1.283 hộ nghèo, chiếm 10,52%. Ông Lò Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Sam Mứn cho biết: Thời gian tới, xã tiếp tục dồn nguồn lực, ưu tiên phát triển đàn bò và nhân rộng mô hình cho nhiều thôn, bản, gia đình cùng hưởng lợi. Năm 2020, xã đã lên danh sách tiếp tục triển khai hỗ trợ bò giống cho 10 hộ nuôi độc lập. Xác định chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt là hướng đi xóa đói giảm nghèo cho các hộ làm nông nghiệp trên địa bàn.

Bảo Anh
Bình luận
Back To Top