Ðể người dân hưởng lợi từ rừng

10:01 - Thứ Hai, 22/06/2020 Lượt xem: 7470 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây, nhờ duy trì, thực hiện đúng, đủ, kịp thời việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã giúp người dân các xã vùng cao, biên giới huyện Mường Nhé thêm yêu, gắn bó với rừng. Ðặc biệt, từ tiền chi trả DVMTR đã góp phần cải thiện sinh kế, ổn định đời sống của người làm nghề rừng, nhất là đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) được nâng lên đáng kể, no ấm, đủ đầy hơn.

Người dân xã Nậm Kè ký nhận tạm ứng tiền chi trả DVMTR.

Sín Thầu là một trong những điểm sáng của huyện Mường Nhé về công tác chăm sóc, quản lý, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR). Có thể khẳng định đó là thành quả từ sự đổi thay trong nhận thức của nhân dân. Giờ đây bà con đều tâm niệm bảo vệ rừng chính là bảo vệ nguồn sống, bởi rừng rất quan trọng trong điều hòa khí hậu, môi trường, nguồn nước và tạo thêm sinh kế để người dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Hiện tỷ lệ che phủ rừng toàn xã hơn 70%; tổng diện tích rừng được nghiệm thu chi trả DVMTR là 5.165,99ha. Năm 2019, Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé phối hợp với UBND xã tiến hành chi trả hơn 2,3 tỷ đồng tiền tạm ứng DVMTR. Ông Pờ Chinh Phạ, quyền Chủ tịch UBND xã Sín Thầu cho biết: “Toàn xã hiện có 6 nhóm nhận khoán, khoanh nuôi bảo vệ rừng. Năm 2019, 100% bản, cộng đồng nhận đủ tiền tạm ứng DVMTR. Ðặc biệt, nhờ chi trả kịp thời, đầy đủ tiền DVMTR đã tạo thêm động lực để bà con nâng cao trách nhiệm, ý thức trong việc chăm sóc, bảo vệ, PCCCR; nhất là tạo thêm sinh kế, tư liệu sản xuất, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống còn 37,89%.

Ông Diệp Lâm Chính, Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Mường Nhé khẳng định: “Chính sách chi trả DVMTR là một chủ trương lớn của Ðảng và Nhà nước, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, khơi gợi ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, cộng đồng trong việc chăm sóc, bảo vệ rừng. Ðặc biệt, nhờ hưởng lợi từ DVMTR mà đời sống nhân dân có sự thay đổi đáng kể, no ấm đủ đầy hơn, nhất là đối với huyện khó khăn như Mường Nhé”. Theo thống kê, hiện tổng diện tích rừng và đất rừng đặc dụng đã giao cho Ban Quản lý khu BTTN Mường Nhé quản lý là 45.581ha. Trong đó, rừng cung ứng DVMTR năm 2020 là 35.052,56ha. Hiện đơn vị giao khoán bảo vệ rừng cho 38 nhóm nhận khoán thuộc địa bàn 5 xã vùng đệm: Leng Su Sìn, Chung Chải, Mường Nhé, Nậm Kè và Sín Thầu. Việc giao khoán rừng cho cộng đồng thôn, bản, tổ chức bảo vệ, khoanh nuôi, PCCCR đã và đang góp phần bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, nhất là hạn chế tối đa tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, phát rừng làm nương và các vi phạm khác về rừng.

Ðặc biệt, để tạo thêm sinh kế, tư liệu sản xuất để người dân yên tâm gắn bó với rừng, thời gian qua Khu BTTN Mường Nhé phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, cộng đồng thôn, bản thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch tiền chi trả DVMTR. Theo đó, năm 2019 tổng diện tích rừng được nghiệm thu, thanh toán toàn huyện là 24.931,7ha; đến hết năm 2019 Khu BTTN Mường Nhé tiến hành chi trả tiền tạm ứng DVMTR hơn 11 tỷ đồng.

Ðể tìm hướng đi mới trong trồng và phát triển rừng trồng, Khu BTTN Mường Nhé tích cực tìm nguồn tài trợ từ các tổ chức trong và ngoài tỉnh cho các dự án hỗ trợ người dân xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả. Ðiển hình như Ðề tài “Mô hình sản xuất trồng cây sa nhân dưới tán rừng sản xuất, vườn cây ăn quả tại vùng đệm khu BTTN Mường Nhé”; hỗ trợ các bản mua sắm các dụng cụ thiết bị máy móc để cấp phát phục vụ nhân dân sản xuất, trồng rừng. Cùng với đó, Khu BTTN Mường Nhé còn tích cực đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ, PCCCR; không phá rừng làm nương, khai thác, vận chuyển, thu mua lâm sản trái phép... Năm 2019, đơn vị tổ chức tuyên truyền 27 buổi, thu hút gần 1.500 lượt người nghe; tiến hành 452 lượt tuần tra, kiểm soát rừng; phát hiện xử lý 6 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Có thể khẳng định, việc chăm sóc, khoanh nuôi, bảo vệ rừng, hưởng lợi trực tiếp từ trồng cây thảo quả dưới tán rừng, chi trả DVMTR là những lợi ích thiết thực mà người dân huyện Mường Nhé đang tận dụng, phát huy để tạo thêm sinh kế, tư liệu sản xuất, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top