Giúp người dân yên tâm giữ rừng

08:56 - Thứ Tư, 01/07/2020 Lượt xem: 6830 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, huyện Mường Ảng là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác chăm sóc, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Ðể có được kết quả đó, bên cạnh ý thức của người dân, thì chủ trương nâng mức chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) của Ðảng, Nhà nước đã giúp người dân thấy rõ những lợi ích mà rừng mang lại, từ đó có trách nhiệm hơn trong việc giữ rừng, phát triển rừng bền vững.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Mường Ảng cùng người dân xã Xuân Lao tuần tra rừng.

Mường Ảng là địa phương có 100% diện tích rừng được chi trả DVMTR thuộc lưu vực sông Mã. Trước đây, khi Nhà nước chưa điều tiết nâng mức chi trả tiền DVMTR (chưa đầy 6 nghìn đồng/ha/năm), người dân gần như không mặn mà với việc nhận nguồn tiền này. Nguyên nhân là vì, quản lý bảo vệ rừng phải bỏ không ít công sức, thời gian; trong khi đời sống người dân chưa cao, số tiền được nhận ít. Cũng vì lẽ đó mà ý thức, trách nhiệm bảo vệ, phát triển rừng của người dân có phần hạn chế. Thế nhưng từ năm 2018, khi mức chi trả được điều tiết, nâng từ dưới 6 nghìn đồng lên hơn 400 nghìn đồng/ha/năm, ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng của người dân đã chuyển biến rõ rệt. Ông Bạc Cầm Quyết, người dân xã Mường Ðăng chia sẻ: Trước đây, tiền chi trả DVMTR ít quá, nên bà con cũng không mặn mà với việc bảo vệ, phát triển rừng. Giờ đây, mức chi trả đã tương xứng với công sức bỏ ra hơn, góp phần cải thiện đời sống, chúng tôi ai cũng bảo nhau cố gắng bảo vệ rừng tốt hơn. Như gia đình tôi đây, năm vừa qua cũng nhận được gần 3 triệu đồng tiền chi trả DVMTR. Với số tiền này, tôi có thêm điều kiện để chi tiêu sinh hoạt trong gia đình.

Xã Ẳng Cang có hơn 1.000ha rừng được chi trả DVMTR. Với mức chi trả hiện nay, trung bình mỗi năm, xã được nhận hơn 400 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này được chi trả trực tiếp cho các chủ rừng, trong đó phần lớn các chủ rừng là cộng đồng các bản. Bởi vậy, hàng năm, mỗi bản đều trích một số tiền nhất định để phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng; trách nhiệm giữ rừng của người dân nói chung, các tổ, đội bảo vệ rừng nói riêng được nâng lên, đặc biệt là trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Ông Lò Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Ẳng Cang cho biết: Gần đây, nhận thức của bà con trong việc bảo vệ rừng được nâng lên. Hàng năm, địa bàn xã không để xảy ra vụ cháy rừng nào. Hơn nữa, khi người dân thấy được lợi ích mà rừng mang lại, đến nay, xã có 3 bản đề nghị chính quyền địa phương chuyển gần 140ha diện tích trồng cây hoa màu trên nương sang trồng, khoanh nuôi rừng, từ đó nâng tổng số diện tích rừng của xã hiện nay lên trên 1.400ha.

Thống kê của cơ quan chức năng huyện Mường Ảng, hiện nay toàn huyện có hơn 9.500ha diện tích được hưởng chi trả DVMTR, tương ứng với số tiền được chi trả trung bình mỗi năm gần 4 tỷ đồng. Nhờ được nâng mức chi trả, cộng với nỗ lực của địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động, giao khoán rừng nên những cánh rừng ở Mường Ảng ngày càng thêm xanh. Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Qua nắm bắt tình hình tư tưởng của bà con thì khi tiền chi trả DVMTR tăng lên, tinh thần trách nhiệm của họ trong công tác chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng có chuyển biến rõ rệt. Người dân và cộng đồng không những bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, mà hàng năm huyện còn phát triển được hàng trăm héc ta rừng sản xuất.

Rõ ràng, lợi ích trước mắt của việc nâng mức hỗ trợ tiền chi trả DVMTR là thu nhập của người dân được cải thiện từ việc giữ rừng. Song về lâu dài, việc bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh, phát triển rừng (rừng sản xuất) còn giúp người dân phát triển kinh tế bền vững thông qua hoạt động khai thác, tạo thương phẩm cho ngành gỗ, giấy trong nước. Ðây là yếu tố rất quan trọng tạo thêm niềm tin, sự kỳ vọng cho người trồng rừng, bảo vệ rừng, gắn bó lâu dài với rừng, góp phần phát triển cuộc sống xanh mà Ðảng và Nhà nước vẫn luôn khuyến khích, ưu tiên thực hiện.

Bài, ảnh: Văn Quyết
Bình luận
Back To Top