Lại khổ vì dịch tả lợn châu Phi

09:18 - Thứ Ba, 21/07/2020 Lượt xem: 7096 In bài viết

ĐBP - Tục ngữ có câu “nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”, song với nhiều người nuôi lợn trên địa bàn tỉnh thời gian qua không còn “ăn cơm nằm” nữa. Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tái phát khiến nhiều hộ gia đình vừa tái đàn lại thấp thỏm lo lắng.

Cán bộ Thú y huyện Mường Chà kiểm tra đàn lợn nghi bị mắc DTLCP trên địa bàn xã Mường Mươn, huyện Mường Chà.

Chúng tôi có mặt tại nhà của anh Lò Văn Hơn, bản Ban, xã Sam Mứn (huyện Điện Biên) vào thời điểm gia đình anh đang tiến hành tiêu hủy đàn lợn giống gồm 10 con với trọng lượng từ 2 - 3kg. Trước đó 2 ngày, 2 con lợn nái của gia đình cũng phải mang đi tiêu hủy do dương tính với DTLCP. Ngồi thẫn thờ nhìn khu chuồng nuôi trống không, phủ vôi bột trắng xóa, anh Hơn xót xa: Đàn lợn này tôi dự tính chỉ cần nuôi khoảng 3 tuần nữa thôi là có thể xuất bán với giá mỗi con lợn giống khoảng 2 triệu đồng. Vậy mà lại tái mắc bệnh DTLCP. Hiện tại gia đình tôi rất khó khăn bởi muốn tái đàn tiếp cũng không có vốn.” 

Không những phải tiêu hủy đàn lợn mắc DTLCP mà còn rơi vào cảnh nợ chồng nợ là trường hợp của gia đình chị Quàng Thị Đôi, bản Mường Mươn 1, xã Mường Mươn (huyện Mường Chà). Đầu năm 2019, gia đình chị Đôi vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Chà đầu tư mở rộng chuồng trại, mua lợn giống để phát triển chăn nuôi. Đến đầu tháng 4/2019, khi đàn lợn 18 con chuẩn bị được xuất chuồng thì có dấu hiệu bỏ ăn, mắt đỏ, rồi lần lượt lăn ra chết. Tuy nhiên, thời điểm đó gia đình chị Đôi không báo chính quyền địa phương mà tự mang đi tiêu hủy nên không thuộc diện được hỗ trợ.  Tài sản giá trị nhất của gia đình là đàn lợn bỗng chốc tan biến, tiền nợ ngân hàng vẫn chưa trả được đồng nào, cực chẳng đã gia đình chị Đôi phải bán con trâu duy nhất để có tiền trả bớt nợ ngân hàng. Chị Đôi ngậm ngùi: Sau đợt dịch bệnh, tôi đã tìm hiểu và chủ động nhiều phương án phòng chống dịch theo khuyến cáo của ngành chức năng rồi vay anh em họ hàng 20 triệu đồng tiếp tục đầu tư nuôi lợn nhưng đến ngày 6/6, đàn lợn 8 con với trọng lượng từ 30 đến hơn 70kg lại tiếp tục dương tính với bệnh DTLCP, phải mang tiêu hủy. Nợ cũ ngân hàng chưa trả hết cộng thêm khoản vay ngoài khiến gia đình tôi bỗng chốc rơi vào cảnh nợ chồng nợ.

Cùng bản với chị Đôi, gia đình anh Quàng Văn Yêu cũng đang “lao đao” bởi DTLCP tái phát. Năm 2019 gia đình anh Yêu đã phải tiêu hủy đàn lợn 14 con. Sau khi nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước và thấy DTLCP được khống chế, gia đình anh tiếp tục tái đàn, nuôi hơn 40 con lợn ở 2 khu chuồng cách xa nhau. Tuy nhiên, những ngày đầu tháng 6, ở một khu chuồng nuôi lại tiếp tục xuất hiện DTLCP khiến 5 con lợn bị chết và phải tiêu hủy. Không nói đến công chăm sóc gần 3 tháng qua, chỉ tính riêng tiền mua giống, thức ăn chăn nuôi, anh Yêu nhẩm tính đã lỗ ít nhất khoảng 20 triệu đồng. “Cẩn tắc vô áy náy”, gia đình anh đã phải áp dụng biện pháp cách ly nghiêm ngặt ở khu chuồng còn lại. Người lạ, thậm chí cán bộ đến thăm mô hình cũng không được vào. Chỉ có hai người là vợ anh Yêu và người con dâu mới được ra vào khu chăn nuôi để chăm đàn lợn. Cẩn thận với “cơ nghiệp” là vậy nhưng những ngày qua anh Yêu vẫn ăn không ngon, ngủ không yên, lúc nào cũng nơm nớp lo lắng, không biết liệu DTLCP có “quét” qua nhà mình một lần nữa không?

Theo thống kê của Chi cục Thú y, từ ngày 2/6 đến ngày 19/7, toàn tỉnh đã có 24 hộ dân tại 1thôn, bản thuộc địa bàn 10 xã: Thanh An, Thanh Hưng, Thanh Xương, Sam Mứn, Pom Lót, Noong Hẹt (huyện Điện Biên); Mường Phăng, Nà Tấu, Pá Khoang (TP. Điện Biên Phủ); Mường Mươn (huyện Mường Chà) có lợn bị mắc DTLCP. Cơ quan chuyên môn đã tiến hành tiêu hủy 165 con lợn với tổng trọng lượng gần 4,9 tấn.

Nhận định về diễn biến tình hình dịch bệnh, theo ông Đỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y thì đến thời điểm hiện tại dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên nguy cơ bệnh tiếp tục tái phát là rất lớn do thời tiết đang diễn biến phức tạp, hình thức chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nhỏ lẻ (chiếm 95%). Sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã tái đàn, lợn giống chủ yếu được mua từ các thương lái, không rõ nguồn gốc. Cùng với đó, DTLCP hiện vẫn chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Sau khi DTLCP tái phát, ngày 12/6/2020, UBND tỉnh đã ra Công văn số 1709/UBND-KTN về việc tập trung triển khai các biện pháp phòng chống DTLCP tái phát, lây lan trên địa bàn tỉnh. Theo đó, ngoài tăng cường công tác tuyên truyền, các biện pháp phòng dịch cũng được chú trọng triển khai nhằm hạn chế tới mức tối đa nguy cơ DTLCP tiếp tục tái phát; tăng cường kiểm tra, giám sát để phát hiện sớm, xử lý dứt điểm ngay khi phát hiện DTLCP, không để dịch bệnh lây ra diện rộng.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top