Mường Nhé phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa

10:46 - Thứ Tư, 22/07/2020 Lượt xem: 6905 In bài viết

ĐBP - Với tiềm năng, lợi thế về thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên, cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, những năm qua huyện Mường Nhé đã đầu tư, khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa. Từ đó, góp phần đa dạng hóa hình thức phát triển kinh tế, vực dậy kinh tế ở những xã khó khăn.

Là xã biên giới, xác định phát triển chăn nuôi là yếu tố tiên quyết thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương. Ông Sùng A Ly, Chủ tịch UBND xã Nậm Kè cho biết: Để bà con thay đổi tư duy từ chăn nuôi nhỏ lẻ, truyền thống sang tập trung làm hàng hóa, cấp ủy, chính quyền xã đã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật; phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; tận dụng diện tích đất đồi hoang hóa, khô cằn để cải tạo trồng cỏ voi đảm bảo nguồn thức ăn dồi dào cho đàn gia súc. Đặc biệt, từ nhiều nguồn hỗ trợ như: 30a, 135/CP, xây dựng nông thôn mới… xã đã triển khai một số mô hình thí điểm để phát triển chăn nuôi trâu, bò theo hình thức nuôi nhốt, nuôi dê núi; tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo vay vốn ngân hàng với chính sách ưu đãi để xây dựng chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường. Hiện nay, toàn xã có gần 10 trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung; góp phần nâng tổng đàn vật nuôi toàn huyện lên gần 17.000 con (1.485 con trâu; 927 con lợn;13.895 con gia cầm...).

Trước đây, chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Mường Nhé chủ yếu ở quy mô nhỏ lẻ, trong hộ gia đình; tốc độ phát triển chậm, năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của huyện. Ông Thào A Dế, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: Để tạo cơ chế đặc thù trong phát triển kinh tế, nhất là trong chăn nuôi theo hướng hàng hóa, huyện Mường Nhé đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với cấp ủy, chính quyền 11/11 xã tập trung tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi phương thức chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung. Huyện cũng ban hành nhiều chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển chăn nuôi: Hỗ trợ con giống, tạo điều kiện về quỹ đất, vốn vay, kỹ thuật; tổ chức thực hiện các chương trình: 30a/CP; 135/CP; “Bò giống giúp người nghèo biên giới”… Để ngành chăn nuôi phát huy được thế mạnh, huyện đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp với từng địa phương: Liên kết các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thành mô hình để tiện chăm sóc, áp dụng khoa học kỹ thuật, thử nghiệm mô hình các nhóm sở thích chăn nuôi với mục đích hỗ trợ, giúp đỡ, trao đổi kinh nghiệm giữa các hộ thành viên... Theo thống kê, toàn huyện Mường Nhé hiện có gần 160.000 con gia súc, gia cầm các loại (đàn trâu: 10.386 con; lợn 7.024 con; gia cầm 135.000 con...).

Cùng với đó, để đảm bảo đàn vật nuôi sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, hàng năm huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với xã tổ chức tiêm phòng định kỳ từ 2 - 3 lần; vận động, tuyên truyền người dân vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Để giảm công lao động, chủ động nguồn thức ăn cho gia súc khi nuôi nhốt, huyện Mường Nhé đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân tích trữ rơm sau vụ gặt, quy hoạch bãi chăn thả hợp lý; tận dụng diện tích đất đồi hoang hóa, khô cằn nhiều xã: Sín Thầu, Chung Chải, Nậm Kè... đã cải tạo để trồng cỏ voi đảm bảo nguồn thức ăn dồi dào cho đàn gia súc. Ông Sùng Phì Sinh, bản Tả Kố Khừ (xã Sín Thầu) chia sẻ: Trước đây, cuộc sống của người Hà Nhì ở Sín Thầu gặp rất nhiều khó khăn; mặc dù chăm chỉ làm ăn nhưng vẫn không thoát khỏi đói nghèo. Năm 2005, nhận thấy tiềm năng, lợi thế phát triển chăn nuôi, tôi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại mua trâu, bò giống về nuôi. Sau nhiều năm nỗ lực, tới nay tôi đã gây dựng được trang trại với gần 150 con trâu, bò... Những năm gần đây, nguồn thức ăn tự nhiên ngày càng khan hiếm, nắng nóng gây khô héo nên để phát triển chăn nuôi bền vững, tôi đã tận dụng đất đồi, bờ ao trồng gần 3ha cỏ voi, dự định sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng cỏ, đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi.

Có thể nói, thành công trong phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa đã và đang tạo hướng đi mới, mở ra cơ hội để người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số huyện Mường Nhé nâng cao hiệu quả kinh tế, từng bước xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống.

Phương Linh
Bình luận
Back To Top