Bài toán xử lý “tín dụng đen”

08:25 - Thứ Năm, 20/08/2020 Lượt xem: 4157 In bài viết

Để ngăn chặn có hiệu quả đối với “tín dụng đen”, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Phối hợp, triển khai Chỉ thị này đặt ra nhiều vấn đề cho các cơ quan pháp luật.

Nguyên nhân “tín dụng đen” hoạt động mạnh

Nguyên nhân đầu tiên đẩy người dân đến “tín dụng đen” là thủ tục vay tiền quá dễ dàng, nhanh chóng, thậm chí “gọi điện là có tiền” khiến người dân đang cần tiền mất cảnh giác, không để ý điều khoản, lãi suất, không lường hết hậu quả xảy ra.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, khoảng 70% dân số Việt Nam chưa tiếp cận vốn ngân hàng. Số doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức cũng chỉ mới chiếm 1/3 tổng số doanh nghiệp. Trong khi người dân, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng thì nguồn tín dụng phi chính thức lại luôn sẵn sàng với thủ tục vay rất đơn giản, linh hoạt, không cần tài sản thế chấp, nguồn vốn dồi dào. Điều này lý giải vì sao tín dụng đen ngày càng bùng phát dù ngành Công an đã đẩy mạnh điều tra, truy quét, xử lý tội phạm cho vay nặng lãi, tín dụng đen. Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế, tín dụng phi chính thức đang chiếm khoảng 20% tổng dư nợ tín dụng (khoảng 1,2 triệu tỷ đồng).

Có người dân tính toán, nếu vay ngân hàng, người vay sẽ phải trả khoảng 10%/năm, cộng với phí “bôi trơn” thì cũng tương đương lãi suất từ “tín dụng đen”. Ngoài ra, khi vay ngân hàng, người dân phải chờ đợi 10 - 20 ngày mới được giải ngân. Chưa kể với những quy định chặt chẽ, không phải người dân nào cũng đủ điều kiện vay ngân hàng. Hơn nữa, người tìm tới tín dụng đen thường vay khoản nhỏ, từ vài triệu đến vài chục triệu nên ngại tiếp xúc với ngân hàng.

Theo Bộ luật Hình sự cũ, gần như không vụ nào có thể khởi tố được vì căn cứ định tội phải “có tính chất bóc lột”, “phải có giá trị thặng dư” trong khi các nạn nhân không phải người lao động nên không thể có bóc lột. Vì không bị xử lý nặng nên các băng nhóm này hoành hành.

Còn trong Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Lãi suất khoảng 8,33% mỗi tháng, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên, bị xử lý bằng hình phạt là cải tạo không giam giữ. Thu lợi bất chính đến 100 triệu đồng thì hình phạt cao nhất là 3 năm tù nhưng không được tạm giam. Đây được cho là sơ hở trong pháp luật, tội cho vay nặng lãi hiện nằm trong nhóm tội vi phạm tài chính của ngân hàng chứ không phải tội hình sự. Hiện nay trong toàn bộ hệ thống luật hành chính không có vi phạm về cho vay vượt lãi suất quy định.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật

Để ngăn chặn có hiệu quả đối với “tín dụng đen”, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Ngay sau đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Quyết định 1178/QĐ-NHNN về kế hoạch hành động của ngành ngân hàng triển khai Chỉ thị 12.

Ngoài các giải pháp như ngân hàng mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất, tiêu dùng, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật thì giải pháp quan trọng nhất nhằm phòng chống và xử lý “tín dụng đen” hiệu quả là hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan.

Hiện nay, tùy trường hợp, hành vi cho vay nặng lãi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự-an toàn xã hội. Tuy nhiên, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP cũng không còn phù hợp với quy định mới trong Bộ luật Dân sự 2015 và Bộ luật Hình sự 2015, cần được sửa đổi…

Trong thực tế, việc xử lý hành vi cho vay nặng lãi đang gặp nhiều khó khăn. Thông thường chủ nợ thường thoát án mà chỉ xử lý được đối tượng được thuê đòi nợ về các tội danh như cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, xâm phạm chỗ ở người khác… do đòi nợ, xiết nợ theo kiểu “xã hội đen”.

Do đó, có ý kiến cho rằng để xử lý đối tượng cho vay nặng lãi, nên nghiên cứu điều chỉnh luật theo hướng cho phép xử phạt hành chính đối với hành vi cho vay nếu vượt quá mức lãi suất nhất định. Ví dụ, mức lãi suất vi phạm BLHS là cao hơn 5 lần thì mức lãi suất có thể phạt hành chính có thể là 3 lần. Nếu đã xử lý hành chính mà người cho vay vẫn tiếp tục vi phạm thì sẽ bị xử lý hình sự. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần đưa hoạt động cho vay dân sự vào khuôn khổ để dễ quản lý. Tín dụng trong đó có cho vay dân sự là hoạt động có điều kiện, không phải ai làm cũng được. Không thể thả nổi “tín dụng đen” như hiện nay mà phải đưa hoạt động này vào khuôn khổ để quản lý, phải có quy định về điều kiện hành nghề, khi hành nghề phải đăng ký với cơ quan chức năng. Nếu hoạt động không đăng ký hoặc vi phạm các quy định trong quá trình hoạt động thì sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

T.K (theo tapchitoaan.vn)
Bình luận
Back To Top