Tín hiệu tích cực trong phát triển điện năng lượng mặt trời

16:57 - Thứ Năm, 27/08/2020 Lượt xem: 5995 In bài viết

ĐBP - Điện năng lượng mặt trời (NLMT) là nguồn năng lượng tái tạo được đánh giá hiệu quả và thân thiện với môi trường. Thời gian gần đây, nhiều người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chọn giải pháp lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời áp mái để giảm chi phí tiền điện và còn có thể thêm phần thu nhập từ việc bán điện dư cho ngành Điện.

Kỹ thuật viên Nhà máy Thủy điện Trung Thu kiểm tra hệ thống pin NLMT.

Cùng với phát triển thủy điện, từ tháng 6/2019, Công ty Cổ phần Thủy điện Trung Thu (xã Pa Ham, huyện Mường Chà) đã lắp đặt thử nghiệm 32 tấm pin NLMT (công suất 330W/tấm) để đánh giá tính khả thi trong việc phát triển điện NLMT trên địa bàn tỉnh. Sau 1 năm thử nghiệm, thông qua các số liệu đo được tại trạm đo quang năng và hệ thống pin mặt trời thử nghiệm, tổng quang năng tại khu vực thử nghiệm đạt 1.397kWh/m2; cao hơn số liệu khí tượng trong chương trình meteonorm của NASA (1.347kWh/m2). Tổng lượng điện năng sản xuất được của hệ thống pin NLMT thử nghiệm trong 1 năm qua đạt 12.791kWh, trong đó sản lượng điện năng thấp nhất vào tháng 2 (865kWh) và cao nhất vào tháng 8 (1.334kWh). Theo đánh giá ban đầu của công ty, lượng quang năng và lượng điện năng sản xuất được đạt yêu cầu và có thể nhân rộng, phát triển dự án điện NLMT trên địa bàn.

Anh Lê Văn Thắng, Quản đốc Nhà máy Thủy điện Trung Thu, cho biết: NLMT là nguồn năng lượng sạch đã được các tỉnh miền Trung áp dụng lắp đặt. Đối với tỉnh Điện Biên, việc lắp pin NLMT còn ít, chủ yếu quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình. Với mục tiêu tiến tới xây dựng nhà máy NLMT đặt trên diện tích mặt hồ thủy điện, chúng tôi đã tiến hành thử nghiệm thông qua thiết bị đo quang năng để xác định thời gian nắng tại đây. Sau một năm thử nghiệm, đơn vị nhận thấy nguồn năng lượng thử nghiệm đang cao hơn so với giả định, giả thuyết mà đơn vị đã đề ra. Căn cứ vào các yếu tố đó, trong thời gian tới, có thể Công ty sẽ triển khai thực hiện dự án điện NLMT trên lòng hồ thủy điện.

Do mở dịch vụ internet nên trước đây gia đình anh Hà Công Hùng, thôn Duyên Long, xã Noong Hẹt (huyện Điện Biên) mỗi tháng phải trả gần 4 triệu đồng tiền điện. Vì lượng điện năng tiêu thụ hàng tháng quá cao nên cuối năm 2019, anh Hùng đã đầu tư 85 triệu đồng lắp đặt 14 tấm pin mặt trời áp mái. Đến nay anh Hùng không những không phải trả tiền điện hàng tháng mà còn được ngành Điện chi trả thêm tiền bán điện dư từ điện NLMT. Anh Hùng chia sẻ: “Từ khi gia đình tôi lắp đặt hệ thống pin mặt trời áp mái, trung bình mỗi ngày hệ thống sản xuất được 15kWh. Ngoài sử dụng cho sinh hoạt, gia đình còn sử dụng điện phục vụ hoạt động 20 máy tính. Từ khi lắp đặt điện mặt trời đến nay, gia đình còn được ngành Điện chi trả gần 4 triệu đồng tiền bán điện dư. Chúng tôi nhận thấy việc lắp đặt điện mặt trời áp mái đem lại hiệu quả khá cao, xứng đáng với số tiền đầu tư ban đầu mình đã bỏ ra”.

Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, để lắp đặt hệ thống pin mặt trời áp mái với diện tích 20m2 cho công suất 3kWp phải đầu tư trên 10 triệu đồng/1kWp. Vì chi phí đầu tư khá cao nên hiện nay không ít người dân còn băn khoăn về hiệu quả của việc lắp đặt hệ thống pin mặt trời áp mái.

Là một hộ kinh doanh dịch vụ, hàng tháng, gia đình ông Dương Xuân Hòa, thị trấn Mường Chà (huyện Mường Chà) có mức tiêu thụ điện năng cao, có tháng chi phí gần 2 triệu đồng. Vì lẽ đó, ông Hòa có ý định lắp đặt hệ thống pin mặt trời áp mái nhưng lại lo lắng về tuổi thọ của tấm pin thấp, dẫn đến việc đầu tư kém hiệu quả. Ông Hòa bày tỏ: “Mỗi tháng chi phí điện của gia đình khá cao nên tôi đã tìm hiểu thông tin trên mạng, báo, đài để lắp đặt pin mặt trời áp mái. Tuy nhiên, chi phí đầu tư lắp đặt lớn cùng với việc chưa xác định được chính xác tính hiệu quả, độ bền của pin NLMT nên tôi vẫn còn đắn đo”.

Sử dụng điện NLMT không chỉ giúp ngành Điện lực giảm áp lực về nguồn cung cấp điện mà còn góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí. Chính vì vậy, Tỉnh ủy Điện Biên đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TU về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển điện năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Đặc biệt, với điện mặt trời, tỉnh còn khuyến khích phát triển pin mặt trời áp mái và trên mặt nước.

Ông Đặng Văn Giới, Trưởng phòng Quản lý Điện năng (Sở Công Thương), cho biết: Hiện nay, việc hộ dân và doanh nghiệp lắp đặt hệ thống điện mặt trời có tấm quang điện được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng và có công suất không quá 1MW không cần cơ quan quản lý nhà nước cấp phép nên cũng dễ dàng hơn. Ngành điện cũng khuyến khích phát triển các nguồn cung điện nên thời gian qua có nhiều hộ dân và doanh nghiệp triển khai lắp đặt điện mặt trời áp mái. Kết quả cho thấy những tín hiệu rất tích cực trong việc giảm áp lực cung cấp điện, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế xanh và bền vững trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, khuyến cáo người dân thận trọng, vì đây là công nghệ mới nên cần chọn lựa các công ty cung ứng sản phẩm uy tín, có thương hiệu và bảo đảm thời gian bảo hành các thiết bị…

Trong khi các loại nhiên liệu trong nước phục vụ cho sản xuất điện đang dần cạn kiệt, việc sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời càng có ý nghĩa thiết thực hơn. Mong rằng ngành Điện, cơ quan chức năng sẽ có giải pháp hỗ trợ, tư vấn cụ thể hơn trong việc phát triển năng lượng mặt trời, lắp đặt hệ thống pin mặt trời áp mái và trên mặt nước; góp phần tiết kiệm điện, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh; đồng thời bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận
Back To Top