Nên kiểm toán sớm dự án đầu tư công

15:20 - Thứ Tư, 23/09/2020 Lượt xem: 4018 In bài viết

Kiểm toán nhà nước nên kiểm toán trong quá trình thực hiện dự án, thậm chí ngay sau khi hồ sơ thiết kế được hoàn thành, chứ không chỉ kiểm toán sau khi hoàn thành dự án.

Quang cảnh hội thảo.

Kiến nghị này được các đại biểu đề xuất tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công và vai trò của Kiểm toán Nhà nước” do Kiểm toán Nhà nước tổ chức ngày 22-9 tại Hà Nội với sự tham gia của 200 đại biểu từ các địa phương, bộ, ngành, cơ quan.

Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên, mặc dù Chính phủ và các cấp, ngành, địa phương đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân, số vốn giải ngân tăng so với cùng kỳ năm 2019, song tỷ lệ giải ngân 8 tháng của năm 2020 vẫn thấp so với yêu cầu. Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả, hiệu lực của các dự án đầu tư công.

Kết quả kiểm toán các dự án đầu tư công cho thấy còn nhiều bất cập và kẽ hở về cơ chế, chính sách trong quản lý đầu tư công, đặc biệt là trong các dự án dưới hình thức mới như các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Kiểm toán Nhà nước đã có nhiều kiến nghị tới các bộ, ngành, địa phương và các ban quản lý dự án để kịp thời khắc phục các tồn tại, thiếu sót trong công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý dự án, kiến nghị xem xét, sửa đổi kịp thời các quy định, chính sách không phù hợp để nâng cao hiệu quả đầu tư dự án. Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước đề xuất nhiều giải pháp, trong đó có đáng chú ý là cho phép không áp dụng quy định dự án phải có quyết định đầu tư trước ngày 31-10 năm trước, bao gồm cả nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư; không áp dụng dụng quy định tiết kiệm 10% trên tổng mức đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ..

Tuy nhiên, “công tác kiểm toán các dự án đầu tư công trong thời gian qua còn một số hạn chế, bất cập làm ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán, như quy mô và tần suất kiểm toán còn nhỏ so với yêu cầu kiểm tra; kiểm toán hoạt động và kiểm toán chuyên đề, chuyên sâu còn hạn chế, nên chưa có điều kiện đi sâu, giải đáp thích đáng các vấn đề về hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công…”, ông Đoàn Xuân Tiên nói.

Tại hội thảo, đại diện một số địa phương đạt tỷ lệ giải ngân đầu tư công khá cao như Nghệ An, Thanh Hóa... đã đưa ra kinh nghiệm trong giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời, nhấn mạnh vai trò của công tác kiểm toán như góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý dự án, quản lý vốn đầu tư của các chủ dự án; cung cấp thông tin quan trọng làm căn cứ dự báo cho công tác lập kế hoạch vốn đầu tư... Các đại biểu cũng kiến nghị giải pháp để phát huy hơn nữa vai trò và nâng cao hiệu quả hoạt động của Kiểm toán Nhà nước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm kiến nghị ưu tiên kiểm toán một số chuyên đề phạm vi rộng và các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực an sinh xã hội, phát triển kinh tế vùng, quản lý tài nguyên, khoáng sản và một số chuyên đề về quản lý thu ngân sách, quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản; tăng cường công khai kết quả kiểm toán những lĩnh vực, vấn đề, dự án được xã hội quan tâm, các công trình bị thất thoát, lãng phí. Ngoài kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân thủ, Kiểm toán Nhà nước nên chuyển trọng tâm sang kiểm toán hoạt động; tăng cường kiểm toán trước đối với các dự án đầu tư.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thùy (Ban Nghiên cứu và điều phối chính sách giám sát, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia) cho rằng, Kiểm toán Nhà nước nên kiểm toán trong quá trình thực hiện dự án, thậm chí ngay sau khi hồ sơ thiết kế được hoàn thành, chứ không chỉ kiểm toán sau khi hoàn thành dự án nhằm sớm phát hiện rủi ro.

Trong khi đó, bà Lương Thị Hồng Thúy (Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi, Kho bạc Nhà nước) đề xuất, Kiểm toán Nhà nước cần công khai rộng rãi kết quả kiểm toán và việc thực hiện kết luận kiểm toán; ban hành chế tài xử phạt đối với đơn vị chậm thực hiện kết luận của kiểm toán…

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top