Xanh lại rừng Mường Toong

14:32 - Thứ Năm, 05/11/2020 Lượt xem: 5099 In bài viết

ĐBP - Vài năm trước, xã Mường Toong, huyện Mường Nhé là “điểm nóng” về phá rừng, với hàng chục vụ phá rừng xảy ra gây thiệt hại nhiều diện tích rừng. Nhưng đến Mường Toong thời điểm này, những cánh rừng nơi đây đã xanh trở lại khi diện tích rừng bị phá trước kia đã được trồng mới; những cây thân gỗ mới trồng đang ở tầm thấp nhưng đã phủ kín khoảng đất trống, đồi núi trọc. Chính quyền và nhân dân các bản trong xã Mường Toong đang chung tay nỗ lực bảo vệ và khôi phục những cánh rừng.

Chính quyền xã Mường Toong và lực lượng chức năng địa bàn trao đổi nhiệm vụ, kế hoạch bảo vệ, khôi phục rừng.

Dẫn chúng tôi đi thăm các bản có nhiều rừng, ông Lù Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Mường Toong chia sẻ: “Sau khi những vụ phá rừng và lấn chiếm đất rừng được chính quyền các cấp xử lý, chính quyền xã chúng tôi cũng tổ chức nhiều buổi họp xã, họp bản, trăn trở tìm các biện pháp bảo vệ, khôi phục diện tích rừng. Với sự đồng lòng, quyết tâm của người dân các bản, trong những tháng gần đây, các cánh rừng trong xã tôi đã dần được khôi phục và phủ xanh trở lại”.

Theo chia sẻ của Chủ tịch UBND xã Mường Toong Lù Văn Dũng, ông là người Thái bản địa, sinh ra và lớn lên tại xã Mường Toong. Nhiều thập kỷ trở về trước, xã Mường Toong thuộc huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu (cũ) vốn là thủ phủ của những loại động vật rừng và lâm sản rừng quý hiếm, với nhiều cánh rừng già, rừng nguyên sinh nằm xen kẽ với các bản dân tộc Thái, Mông... Bà con có truyền thống giữ rừng và dựa vào rừng để sinh sống. Thế nhưng, thời gian sau khi chia tách tỉnh, huyện, xã và xuất hiện dân di cư tự do vào địa bàn, đã gây ra tình trạng lấn chiếm, phá hoại rừng và khai thác lâm sản trái phép, khiến nhiều cánh rừng bị chặt phá, hủy hoại nghiêm trọng; đồng thời, một số bà con bản địa chưa có ý thức cũng tận dụng, lấn chiếm đất rừng làm của riêng. “Chính vì thế, giờ đây để khôi phục những cánh rừng bị phá, chính quyền xã Mường Toong chúng tôi và các bản đã thực hiện vận động, tuyên truyền cho chính người dân trong xã; làm sao để bà con nâng cao ý thức, tinh thần, trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng; từ đó mới phòng chống những đối tượng bên ngoài tới phá hoại rừng” - ông Lù Văn Dũng chia sẻ thêm.

Cánh rừng sản xuất của bà con bản Mường Toong 3 (xã Mường Toong), nằm dọc trên con đường bê tông, gần trung tâm xã. Cách đây hơn 1 năm, cánh rừng này đã bị một số đối tượng lấn chiếm, chặt phá nhiều cây gỗ trên 10 năm tuổi. Giờ đây, sau một năm nỗ lực khôi phục, bảo vệ, khoảnh rừng bị phá ngày nào đã bắt đầu được phủ xanh trở lại bằng thảm thực vật và cây thân gỗ tầm thấp, cành lá bắt đầu vươn tán che kín những gốc cây trơ trọi, bị chặt phá ngày nào. Anh Mào Văn Lập, trưởng bản Mường Toong 3, chia sẻ: “Để khôi phục các khoảnh rừng bị phá, bà con bản tôi đã tổ chức trồng cây keo tai tượng quanh bìa rừng; đồng thời Ban bảo vệ rừng cộng đồng bản chúng tôi đã nhiều lần họp, tổ chức tuần tra rừng, thậm chí lập lán trông coi bảo vệ ngày đêm tại bìa rừng để ngăn chặn các đối tượng vào phá rừng. Rất may, chúng tôi được sự hỗ trợ của lực lượng kiểm lâm xã và Ban bảo vệ rừng các bản lân cận, vì thế thời gian gần đây, trên địa bàn bản Mường Toong 3 không phát sinh vụ phá rừng nào; bà con yên tâm sinh sống và tiếp tục trông coi, bảo vệ rừng để được hưởng lợi ích từ chi trả dịch vụ môi trường rừng”.

Ngoài các diện tích rừng bị phá và đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, trong năm 2019, một số khoảnh rừng tại bản Mường Toong 3 cũng bị những người dân bản địa chiếm làm của riêng, tự ý chặt cây thân gỗ để trồng cây mắc ca. “Với những diện tích này, chính quyền địa phương đã lập biên bản xử phạt bà con. Còn về phía bản chúng tôi đã đến tuyên truyền, vận động họ hiểu, từ đó không phá thêm rừng nữa mà tiếp tục trông coi, bảo vệ để những cây mắc ca đã trồng sinh trưởng, phát triển cùng với cánh rừng sản xuất của bản” - trưởng bản Mào Văn Lập cho biết thêm.

Còn đối với người dân bản Ngã Ba (xã Mường Toong), việc chung tay, nỗ lực giữ rừng cũng là nhiệm vụ chính của bà con và trở thành nghị quyết của bản vào thời điểm này. Tại cánh rừng bản Ngã Ba, vết tích của những vụ phá rừng xảy ra đầu năm nay vẫn còn khá rõ. Trưởng bản Ngã Ba Thào A Dè xót xa kể: “Chỉ trong một thời gian ngắn, vài héc-ta rừng phòng hộ, rừng sản xuất do bà con bản tôi chung tay bảo vệ nhiều năm, đã bị đối tượng xấu tự ý vào chặt phá, khai thác lâm sản rồi đốt làm nương. Bà con bức xúc lắm, ai cũng đồng lòng, nêu cao tinh thần đấu tranh, bảo vệ để khôi phục cánh rừng. Trước mắt, chúng tôi đang tiến hành trồng rừng trở lại; làm các hàng rào ngăn cách lấn chiếm cạnh bìa rừng; đi tuyên truyền, vận động mỗi bà con trong bản trở thành người bảo vệ rừng tự nguyện và nhanh chóng thông báo cho chính quyền cũng như lực lượng kiểm lâm địa bàn khi phát hiện người lạ tự ý kéo nhau vào rừng”.

Trưởng bản Thào A Dè đưa cho chúng tôi xem một văn bản, đó là Nghị quyết bản năm 2020. Trong đó, tinh thần cảnh giác trong bảo vệ rừng của bà con người Thái và người Mông ở bản Ngã Ba giờ đây đã được thống nhất bằng các nội dung: Chỉ cần có nhóm đối tượng lạ vào địa bàn là phải thông báo cho chính quyền sở tại. Nếu ai cầm cưa máy vào rừng hay vác gỗ đi ra từ rừng thì sẽ bị bà con giữ lại. Còn nếu nghe thấy tiếng máy cưa phát ra từ rừng, bà con sẽ tập trung nhau để cả bản cùng ngăn chặn...

Gặp gỡ bà con bản Ngã Ba, chúng tôi cũng thấy được tinh thần bảo vệ rừng theo nghị quyết đã được bà con thấu hiểu và đồng lòng nhất trí. Ông Thào A Sểnh, người dân bản Ngã Ba chia sẻ: “Tôi thấy rằng khi rừng bị phá thì mùa mưa rất dễ xảy ra lũ ống, lũ quét gây hủy hoại nhà cửa, mùa màng. Chính vì thế, giờ đây bà con chúng tôi phải cùng nhau bảo vệ rừng và ngăn chặn người khác phá rừng, quyết tâm không để tình trạng rừng bị phá như thời gian trước nữa”.

Được biết, toàn xã Mường Toong hiện có trên 2.799ha đất có rừng, chủ yếu là rừng phòng hộ và rừng sản xuất; trong đó trên 2.368ha đất rừng đã được giao khoán cho cộng đồng trông coi, bảo vệ. Với những nỗ lực, quyết tâm của bà con từng bản nói riêng, trong toàn xã Mường Toong nói chung, tin rằng, rừng Mường Toong sẽ từng bước được phục hồi, phủ xanh trở lại, để bà con trong xã yên tâm sinh sống, phát triển đời sống và được hưởng lợi ích từ việc bảo vệ rừng.

Bài, ảnh: Phương Liên
Bình luận
Back To Top