“Trao cần câu” cho người nghèo vươn lên

08:40 - Thứ Sáu, 06/11/2020 Lượt xem: 4666 In bài viết

ĐBP - Vẫn là câu chuyện “trao cần câu” cho người nghèo vươn lên, nhưng trao như thế nào cho hiệu quả cũng là chuyện đáng bàn. Những năm qua, chính quyền các cấp, các tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ xóa đói giảm nghèo theo hướng “trao cần câu” - kiến thức, kỹ thuật, cây, con giống để tăng trách nhiệm, tạo động lực vượt khó cho người nông dân. Hiệu quả ra sao đang được minh chứng trong thực tế.

Người dân bản Tâu, xã Hua Thanh (huyện Ðiện Biên) trồng ngô vụ 3 trên ruộng lúa sau thu hoạch. Ảnh: Nguyễn Hiền

Trên cánh đồng các đội 6, 7, 8, bản Tâu, xã Hua Thanh, huyện Ðiện Biên mùa này đang xanh màu ngô. Tại đây, 86 hộ, phần lớn là hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn của 3 đội tham gia trồng giống ngô nếp N90 với tổng diện tích hơn 1ha. Mô hình do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cùng chính quyền xã triển khai theo hình thức hỗ trợ hoàn toàn giống, 50% thuốc bảo vệ thực vật, 50% phân bón, phần còn lại do người dân đối ứng. Ðây là lần đầu tiên người dân bản Tâu trồng cây vụ 3 nên ban đầu các hộ còn do dự, lo ngại. Sau khi được cán bộ lên vận động, hướng dẫn tận tình, chi tiết, hầu hết các hộ có ruộng khu vực cánh đồng trường mầm non (theo cách gọi của người dân) đều đăng ký tham gia trồng ngô vụ 3, tổng diện tích hơn 1ha. Anh Lường Văn Thích, đội trưởng đội 6 bản Tâu, phụ trách chung mô hình trồng ngô của 3 đội, cho biết: “Người dân bản Tâu chỉ quen trồng ngô trên nương, không có kinh nghiệm trồng ngô ở ruộng nên khi triển khai cũng nhiều người dân e ngại. Tuy nhiên xuống giống từ 10 - 15/10 đến nay ngô đã lên xanh tốt, cao 20 - 40cm, lại có cán bộ kỹ thuật nông nghiệp của huyện thường xuyên xuống hướng dẫn nên bà con yên tâm lắm. Chi một phần đối ứng và bỏ công sức nên hộ nào cũng rất trách nhiệm, chăm chỉ, thường xuyên ra thăm ruộng ngô, làm cỏ, chăm bón, kịp thời phòng trừ sâu bệnh… mong vụ ngô thành công”.

Người dân bản Tâu có diện tích đất sản xuất khá rộng nhưng chưa khai thác hết giá trị nên đời sống vẫn nhiều khó khăn, 3 đội còn hơn 30 hộ nghèo. Mô hình ngô vụ 3 nếu hiệu quả sẽ thúc đẩy người dân lao động, tận dụng đất đai trồng trọt. Bà Quàng Thị Hoa, đội 7 bản Tâu chia sẻ: “Nhà tôi có 2.000m2 ruộng tại khu này đều đăng ký trồng ngô vụ 3. Mọi năm thu hoạch lúa mùa xong là khá rảnh rỗi, cũng không có gì trông đợi, thu hái được để chuẩn bị đón năm mới. Năm nay có diện tích ngô nếp này, vợ chồng tôi mừng lắm. Ngô nếp bây giờ dễ bán và cũng được giá. Hi vọng sẽ có thêm thu nhập dịp cuối năm”.  Ðược biết khi đăng ký tham gia mô hình, các hộ đều ký cam kết nếu hiệu quả sẽ nhân rộng vào năm sau. Ðây có thể là một hướng đi mới, khởi đầu để các hộ dân, đặc biệt là hộ nghèo tăng thu nhập, giảm nghèo từ diện tích đất đai có sẵn. Hơn 1ha ngô vụ 3 của bản Tâu gần 2 tháng nữa mới có kết quả nhưng việc đầu tiên mô hình đã làm được là phá bỏ rào cản e ngại về kinh nghiệm sản xuất của người dân, để dám làm, dám đầu tư, bắt tay vào mô hình mới. Có như vậy thì mới có những vụ mùa đáng mong chờ. Ðây cũng là cách làm của nhiều mô hình, chương trình xóa đói giảm nghèo đang được triển khai.

Còn đối với Hội Nông dân tỉnh, “việc hỗ trợ nông dân nghèo cũng được thực hiện theo cách thức hỗ trợ chứ không cho không, lồng ghép vừa hướng dẫn, thúc đẩy khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi vừa tạo điều kiện hỗ trợ về vốn; cho người nghèo kiến thức, phương pháp, cách làm để tạo động lực giúp họ vượt khó vươn lên” - bà Cao Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội chia sẻ. 2 mô hình mà Hội đang triển khai hiệu quả hơn 10 năm nay là “Hướng dẫn người nghèo cách làm ăn và khuyến nông, khuyến lâm”, “Xóa đói giảm nghèo vùng đặc thù” tại 8 huyện, thị, thành phố, 17 xã điểm trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu là đã hỗ trợ 1.295 con trâu, bò sinh sản ban đầu cho các nhóm hộ, đến nay đã nhân đàn lên gần 3.000 con, luân chuyển cho hàng nghìn hộ phát triển sản xuất. Ðể mô hình nuôi theo nhóm hộ này hiệu quả, Hội chú trọng việc lựa chọn hộ tham gia và có quy chế rõ ràng để các hộ đều được hưởng lợi và đều có trách nhiệm. Trong đó ưu tiên hộ nghèo mà chăm chỉ, chịu khó; trong nhóm có hộ biết cách làm ăn, có thể là hộ trung bình, có kinh tế ổn định hơn để học hỏi nhau, gia đình chưa biết chăn nuôi nhìn, học cách làm của hộ có kinh nghiệm… Cùng với đó, Hội phối hợp tổ chức dạy nghề, hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật cho người dân; thực hiện ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ Hỗ trợ nông dân cho trên 30.000 hội viên nông dân vay vốn phát triển sản xuất trên 1.000 tỷ đồng (số liệu 10 năm 2010 - 2020).

Còn có rất nhiều mô hình, chương trình hỗ trợ xóa đói giảm nghèo hiệu quả đã và đang được triển khai trên địa bàn tỉnh ta. Sau nhiều năm thực hiện, các địa phương, đơn vị, tổ chức có lẽ đều đã có nhiều kinh nghiệm và đúc kết được cách làm nào phù hợp, hiệu quả, cần nhân rộng, cách làm nào không; đồng thời dần khắc phục những tồn tại trong triển khai, thực hiện. Tuy nhiên dù có nhiều mô hình, chương trình, dự án trợ lực nhưng quan trọng hơn cả vẫn là ý thức, mong muốn vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng của người dân.

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top