Chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường

08:36 - Thứ Hai, 23/11/2020 Lượt xem: 4518 In bài viết

ĐBP - Nhằm hạn chế dịch bệnh cũng như bảo vệ môi trường, nhiều năm qua, các hộ chăn nuôi trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ đã chú trọng đầu tư hệ thống chuồng trại, xử lý chất thải... góp phần phát triển chăn nuôi bền vững, nâng cao thu nhập.

Ông Nguyễn Mạnh Toàn, bản Na Púng, phường Thanh Trường (TP. Ðiện Biên Phủ) thường xuyên vệ sinh chuồng trại để đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh.

Gia đình ông Nguyễn Mạnh Toàn, bản Na Púng, phường Thanh Trường là một trong những hộ chăn nuôi lợn số lượng lớn trên địa bàn thành phố và cũng nhờ chăn nuôi mà gia đình ông có cuộc sống khá giả. Ðến thăm trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông Toàn, chúng tôi thấy có 2 dãy chuồng. Trong mỗi dãy chuồng (rộng từ 250 - 300m2) đều có hệ thống làm mát, hệ thống hút gió, hút mùi… giữ cho chuồng nuôi luôn khô thoáng, hạn chế mùi phát tán ra môi trường. Theo ông Toàn, trước đây trung bình mỗi lứa ông nuôi khoảng 300 con lợn nên lượng chất thải hàng ngày tương đối lớn. Tuy nhiên, nhận thức được việc chất thải trong chăn nuôi nếu không được xử lý tốt không chỉ ảnh hưởng tới môi trường sống dân cư mà còn gây ô nhiễm nguồn nước, đất, làm phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả chăn nuôi. Do đó, khi xây dựng hệ thống chuồng trại ông đã xây dựng 2 bể chứa biogas 16m3 và toàn bộ hệ thống nước đều làm đường ống ngầm. Với số lượng lợn nuôi ở mỗi lứa nhiều nên ở mỗi chuồng nuôi lợn ông đều sử dụng tấm lót nhựa ở trong chuồng nuôi lợn con và tấm lót bằng bê tông có lỗ thoát chất thải đối với lợn nái. Cùng với đó, ở các chuồng nuôi đều có độ nghiêng theo đúng tiêu chuẩn để chuồng luôn khô ráo, thoáng mát. Mặt khác, chất thải của vật nuôi được ông phân loại để xử lý riêng, trong đó phân gia cầm ông sử dụng chế phẩm sinh học xử lý làm phân bón cho cây trồng, còn phân gia súc và toàn bộ nước thải, nước tắm, rửa chuồng của vật nuôi được chảy qua hệ thống rãnh kín đưa về các bể biogas xử lý làm chất đốt trong đun nấu. Ngoài ra, xung quanh trang trại, gia đình còn trồng các loại cây xanh, tạo không gian xanh thoáng mát. Sau khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, trên 6 tấn lợn các loại bị bệnh phải tiêu hủy, gia đình ông Toàn vẫn nuôi lợn nhưng với số lượng ít hơn và tập trung đẩy mạnh phát triển những vật nuôi khác mà từ trước tới giờ gia đình vẫn nuôi rất ổn định như gà, vịt thương phẩm. Ngoài ra, gia đình ông còn mạnh dạn nuôi ba ba để tăng thu nhập. Ông Toàn cho biết: “Dù chăn nuôi gì đi chăng nữa thì tôi thấy rằng, chỉ có làm tốt công tác xử lý chất thải, mùi hôi trong chăn nuôi mới có thể hạn chế được dịch bệnh, vật nuôi lớn nhanh hơn, từ đó không bị thiệt hại về kinh tế”.

Ngoài những hộ chăn nuôi lớn như ông Toàn, thì hiện nay trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giữ thói quen làm chuồng nuôi gia súc, gia cầm ngay trong phần đất của gia đình. Với tập quán chăn nuôi này, nếu chất thải của vật nuôi không được xử lý đúng cách sẽ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến người dân sinh sống khu vực xung quanh. Ðể khắc phục và ngăn ngừa những ảnh hưởng đến môi trường, thời gian qua, các cấp chính quyền và đoàn thể đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường trong chăn nuôi và nhận được sự đồng thuận của cộng đồng. Ðiển hình là Hội Nông dân phường Mường Thanh. Ðể thực hiện tiêu chí môi trường, Hội đã triển khai mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi và triển khai thí điểm ở 25 hộ trên địa bàn phường. Ðây là hình thức nuôi nhốt gia súc, gia cầm trên một nền đệm lót được làm bằng nguyên liệu có độ trơ cao trộn với một hệ vi sinh vật để phân hủy phân, nước tiểu, giảm khí độc và mùi hôi chuồng nuôi, tạo môi trường trong sạch, không ô nhiễm. Khi thấy vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi được đẩy lùi, hiệu quả từ mô hình được nhân rộng sang các gia đình khác. Ðến nay, 229/229 gia đình chăn nuôi trên địa bàn phường Mường Thanh sử dụng phương pháp này để vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo tiêu chí môi trường…

Bài, ảnh: Hoàng Lâm
Bình luận
Back To Top