Cần quy hoạch, phát huy hiệu quả chợ truyền thống

08:37 - Thứ Tư, 25/11/2020 Lượt xem: 5318 In bài viết

ĐBP - Trên địa bàn tỉnh ngày càng có nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích nhưng không thể phủ nhận chợ truyền thống vẫn là kênh bán hàng quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn trong mua bán hàng hóa của người dân. Tuy nhiên, trước nhu cầu mua bán hàng hóa ngày càng cao, coi trọng tính tiện lợi, chợ truyền thống đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.

Người dân bán hàng lấn chiếm lòng đường quốc lộ 12 tại khu vực chợ trung tâm thị trấn Mường Chà. Ảnh: Thu Hằng

Nhiều bất cập

Theo thống kê của Sở Công Thương, toàn tỉnh hiện có 38 chợ, gồm 18 chợ khu vực đô thị và 20 chợ nông thôn; trong đó có 1 chợ hạng I, 8 chợ hạng II, còn lại 29 chợ hạng III. Phân theo tính chất xây dựng, toàn tỉnh có 21 chợ kiên cố, còn lại là bán kiên cố và chợ tạm. Ða số các chợ được đầu tư xây dựng từ lâu, đến nay đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự.

Chợ Trung tâm thị trấn Mường Chà (huyện Mường Chà) được xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 1991, mặc dù đã được đầu tư sửa chữa nhiều lần nhưng sau gần 30 năm hoạt động, chợ vẫn chưa có khu vực để xe. Ðây là chợ có quy mô lớn nhất của thị trấn Mường Chà, thu hút ngày càng nhiều người kinh doanh buôn bán, trong khi diện tích chợ chỉ hơn 2.200m2, với 45 điểm bán hàng ở khu vực chính và 30 vị trí bán hàng ở khu vực phụ, nên đến nay chợ gần như đã quá tải, nhiều người đã bày, bán hàng tràn ra hành lang giao thông. Ðiều đáng nói chợ nằm cạnh quốc lộ 12, phương tiện lưu thông nhiều, việc người dân buôn bán tràn ra hành lang giao thông, để xe dưới lòng đường gây mất an ninh trật tự, không đảm bảo an toàn giao thông ở khu vực này.

Chị Hoàng Thị Thanh, người bán hàng trong chợ thị trấn Mường Chà cho biết: “Chợ không có bãi gửi xe, người đi chợ phải đi bộ hoặc đi xe thì phải gửi nhà dân. Nhiều người bất đắc dĩ phải để xe dưới lòng đường khi bị cơ quan chức năng xử phạt mặc dù khá bất bình nhưng cũng không còn cách nào khác”.

Theo thống kê của Ban Quản lý chợ Mường Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ), mỗi ngày có khoảng 260 lượt tiểu thương buôn bán thường xuyên và trên 100 tiểu thương buôn bán không thường xuyên tại chợ. Tuy nhiên, do chưa được quy hoạch hợp lý nên hàng ngày người dân vẫn họp chợ tràn lan trên diện tích đất của Công viên sông Nậm Rốm và gần các điểm di tích lịch sử. Nhiều người dân còn bày bán các loại hoa quả, rau xanh hai bên đường. Ô che cũng được giăng khắp nơi, thậm chí có người bán hàng còn đặt ô ngay giữa lòng đường, khiến cho đoạn đường ở khu vực này trở nên chật hẹp, làm khuất tầm nhìn.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch UBND phường Mường Thanh cho biết: Lực lượng chức năng đã “dẹp” nhiều lần, nhưng như “bắt cóc bỏ đĩa”. Nếu muốn giải quyết triệt để, cần quy hoạch lại chợ cho hợp lý. Tuy nhiên việc quy hoạch lại chợ để đáp ứng được nhu cầu mua sắm, kinh doanh của các tiểu thương cũng như người dân trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Kinh phí, quỹ đất, quy hoạch chung.

Không chỉ bất cập trong quy hoạch, nhiều chợ đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Ðiển hình như chợ Trung tâm II thuộc địa bàn phường Him Lam, có diện tích trên 4.000m2 với gần 70 ki ốt, không chỉ xuống cấp về cơ sở vật chất mà công tác phòng, chống cháy nổ cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Trong đợt kiểm tra đầu năm của Phòng Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) tại chợ Trung tâm II cho thấy, nhiều hộ kinh doanh trong chợ vẫn để mái che, mái vẩy, có hộ còn đặt bàn thờ trong ki ốt ngay gần công tơ điện; hệ thống dây điện ở nhiều ki ốt chưa được nẹp gọn, vẫn để gần hàng hóa… đây là những nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn đến cháy nổ.

Cùng với những hạn chế trên, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn 5 chợ tạm không có ban quản lý chợ, tổ quản lý chợ mà được giao cho UBND xã, phường quản lý gồm: Chợ Thanh Bình (TP. Ðiện Biên Phủ); chợ xã Pú Nhi (huyện Ðiện Biên Ðông); chợ Búng Lao (huyện Mường Ảng); chợ thị tứ Minh Thắng và chợ Mùn Chung (huyện Tuần Giáo). Ðược biết, các chợ tạm này chưa được đầu tư xây dựng và diện tích chủ yếu là thuộc quyền sử dụng đất của các hộ kinh doanh nên công tác quản lý, hiệu quả hoạt động còn nhiều hạn chế.

Ðể chợ truyền thống hoạt động hiệu quả

Trước xu thế phát triển ngày càng mạnh mẽ của mô hình thương mại hiện đại, chợ truyền thống vẫn giữ được ưu thế riêng do phù hợp với thói quen, nhu cầu mua sắm của người dân, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn người mưu sinh gắn liền với chợ. Nhằm khắc phục những bất cập, thời gian qua tỉnh ta đã kêu gọi đầu tư, nâng cấp, cải tạo chợ. Giai đoạn từ năm 2011 - 2017, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng mới 11 chợ, cải tạo nâng cấp 1 chợ, tổng diện tích đất dành cho xây dựng là 35.113m2. Tổng vốn đầu tư xây dựng mới và cải tạo gần 149 tỷ đồng; trong đó: Nguồn vốn Nhà nước hơn 80 tỷ đồng, vốn của người dân và doanh nghiệp gần 69 tỷ đồng. Năm 2020 có thêm 2 chợ mới được đầu tư xây dựng là chợ xã Nà Tấu (TP. Ðiện Biên Phủ) và chợ Trung tâm huyện Mường Ảng.

Ðể tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động, ngày 2/7/2015 UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 2449/UBND-CN về việc “Tăng cường quản lý, phát triển chợ trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên”. Trong đó, chỉ đạo các cấp, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ đẩy mạnh công tác đấu thầu kinh doanh, khai thác chợ, chuyển đổi ban quản lý chợ sang doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh, khai thác chợ. Ðến nay trên địa bàn tỉnh có 6 chợ do doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh khai thác, gồm: Chợ trung tâm huyện Mường Nhé; chợ Trung tâm III (TP. Ðiện Biên Phủ); chợ thị trấn Tuần Giáo; chợ trung tâm huyện, chợ Mường Luân, chợ Suối Lư (huyện Ðiện Biên Ðông). 

Các chợ truyền thống có những lợi thế nhất định để cạnh tranh với những kênh phân phối như: Siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi về chi phí thuê mặt bằng thấp hơn; nhiều mặt hàng “thuận mua vừa bán” với người tiêu dùng… nhất là người dân vùng nông thôn. Thời gian tới, cùng với quyết liệt xử lý, dẹp bỏ các chợ tự phát thì các cấp, ngành chức năng cần quan tâm huy động nguồn lực đầu tư sửa chữa, xây mới chợ và có phương án quản lý, phát triển đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân.

Thu Hằng
Bình luận
Back To Top