Thêm giải pháp nâng cao giá trị nông sản Việt

09:09 - Thứ Năm, 14/01/2021 Lượt xem: 3503 In bài viết

“Ðầu ra” của nông sản Việt vốn đã gặp nhiều khó khăn, nay lại càng khó khăn hơn khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh này, công nghệ và thiết bị cô đặc dịch mẫn cảm nhiệt tại nhiệt độ thấp và áp suất thường (công nghệ JEVA) là một trong những giải pháp hữu hiệu nâng cao giá trị nông sản Việt, mở ra cơ hội cho ngành sản xuất, chế biến nông sản của Việt Nam khắc phục khó khăn, nâng cao giá trị xuất khẩu.

Nước ta có rất nhiều loại trái cây nhiệt đới chất lượng cao, nhưng năm nào nông sản cũng phải “giải cứu”, do sản xuất manh mún, công nghệ sau thu hoạch lạc hậu, chủ yếu xuất khẩu ở dạng thô. Việc kêu gọi người dân chung tay “giải cứu” chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài và mang tính căn cơ là nâng hàm lượng công nghệ của nông sản.

Từ thực tế trên, PGS.TS Nguyễn Minh Tân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển ứng dụng các hợp chất thiên nhiên (Trường Ðại học Bách khoa Hà Nội) và các đồng nghiệp đã hợp tác với nhóm nghiên cứu do Giáo sư SW.Samhaber, Viện Quá trình thiết bị (Ðại học Johanes Kepler Linz, Áo) nghiên cứu, phát triển thành công công nghệ và thiết bị cô đặc dịch mẫn cảm nhiệt tại nhiệt độ thấp và áp suất thường (công nghệ JEVA).

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Tân, với công nghệ này, các doanh nghiệp có thể chế biến được các loại hoa quả khác nhau, như dưa hấu, thanh long, quả vải, quả ổi… Sau quá trình sơ chế, ép dịch ra và xử lý enzim, đưa vào chế biến sâu sẽ ra hai thành phẩm: Dịch cô đặc và dịch ngưng (nước khoáng hương vị quả tự nhiên). Khi sử dụng, chỉ cần pha nước cô đặc quả với nước lọc sẽ có nước uống như nước quả ép thông thường.

“Công nghệ JEVA cho phép chế biến nước quả tại điều kiện nhiệt độ thấp (dưới 420C), áp suất thường, nên tạo ra được sản phẩm có chất lượng tốt, giữ được các vitamin, chất khoáng và hương vị tự nhiên của nguyên liệu; đồng thời, có thể bảo quản được ở nhiệt độ thường trong thời gian dài, mà không cần dùng chất bảo quản, đáp ứng được yêu cầu chất lượng cao của các thị trường khó tính, như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…”, PGS.TS Nguyễn Minh Tân thông tin.

Về hiệu quả công nghệ JEVA, ông Phạm Minh Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển dừa nước Việt Nam (VIETNIPA), huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh - chuyên cung cấp mật dừa nước tinh chất và mật tự nhiên cô đặc, cho biết: “Công nghệ JEVA có nhiều ưu điểm so với các công nghệ hiện đang áp dụng tại Việt Nam, nhất là tiêu tốn năng lượng chỉ bằng khoảng 20 - 25%, có thể được triển khai trên quy mô vừa và nhỏ, không nhất thiết gắn với vùng nguyên liệu. Ngoài ra, công nghệ này hoàn toàn không tạo ra chất thải hoặc nước thải”.

Chung nhận định, ông Ðặng Văn Hóa, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao sản xuất và chế biến chanh Nam Kim (huyện Nam Ðàn, tỉnh Nghệ An) thông tin thêm, hợp tác xã của ông là đơn vị chủ trì thực hiện dự án “Xây dựng chuỗi sản xuất, bảo quản, chế biến và phát triển thương hiệu “Chanh Nam Ðàn quê Bác” gắn với du lịch cộng đồng”. Ðây là dự án không chỉ ảnh hưởng đến sinh kế của 3.000 hộ dân, mà còn góp phần xây dựng huyện Nam Ðàn thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Sau một thời gian tìm kiếm, ông nhận thấy công nghệ JEVA rất phù hợp để chế biến nước ép chanh Nam Ðàn với công suất 4 tấn quả/ngày.

Ðể rau quả Việt Nam có khả năng xuất khẩu vào những thị trường lớn, nhiều tiềm năng, cách duy nhất là giảm tỷ trọng xuất khẩu tươi, tăng tỷ trọng hàng xuất khẩu chế biến sâu. Việc các nhà khoa học trong nước phát triển công nghệ JEVA là góp phần hỗ trợ cho định hướng đó. Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, cần tiếp tục đầu tư, hỗ trợ thương mại hóa công nghệ JEVA để góp phần tăng sức cạnh tranh, hiện đại hóa thị trường chế biến nông sản Việt Nam...

Công nghệ JEVA là kết quả của quá trình hợp tác khoa học - công nghệ lâu dài và hiệu quả giữa Việt Nam và Áo. Năm 2012, khi đang thực hiện nghiên cứu tại Áo về công nghệ màng ứng dụng trên lĩnh vực nông nghiệp, PGS.TS Nguyễn Minh Tân nghĩ ngay đến quả vải. Việt Nam có quả vải rất ngon, nhưng không có nước vải, chỉ có vải ngâm đường xuất khẩu. “Lúc đó, tôi nghĩ tại sao Việt Nam không làm nước từ quả vải, để những lúc trái vụ vẫn có sản phẩm bán”, PGS.TS Nguyễn Minh Tân nhớ lại.

Thách thức lớn nhất ban đầu là làm thế nào để vẫn giữ được hương vị tự nhiên của quả vải, sau khi cô đặc. PGS.TS Nguyễn Minh Tân cùng nhóm nghiên cứu đã đằng đẵng trong phòng thí nghiệm để giải bài toán hóc búa đó. Sau những nỗ lực, tìm tòi, nghiên cứu không biết mệt mỏi, PGS.TS Nguyễn Minh Tân đã giải quyết xong thách thức này với nhiều loại trái cây nhiệt đới của Việt Nam, như thanh long, dưa hấu, mía, cam, quất, ổi, nhãn, chuối, cần tây, gấc, và cả hoa hòe, mật ong.

T.K (theo hanoimoi.com.vn)
Bình luận
Back To Top