Kinh tế tập thể phát triển chưa bền vững

09:18 - Thứ Hai, 12/04/2021 Lượt xem: 4671 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, toàn tỉnh có 245 hợp tác xã (HTX) với gần 12.000 thành viên. Các HTX hoạt động trong các lĩnh vực: Nông - lâm - thủy sản (chiếm trên 50%); xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng; giao thông vận tải, công thương và sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ.

Xã viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Mường Báng (huyện Tủa Chùa) thu hoạch quả.

Nhìn chung, các HTX trên địa bàn tỉnh đều thành lập trên cơ sở tự nguyện, tuân thủ nghiêm các nguyên tắc hoạt động của Luật HTX với tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động gọn nhẹ, phù hợp đặc điểm kinh tế ở từng vùng. Cụ thể, trên địa bàn huyện Ðiện Biên, các HTX chủ yếu kinh doanh, chế biến nông sản, thực phẩm và trồng rau an toàn; ở huyện Mường Ảng, các HTX tập trung trồng, chế biến và tiêu thụ cà phê; với huyện Mường Chà, các HTX lựa chọn chăn nuôi đại gia súc, trồng dứa... Thu nhập bình quân của thành viên và người lao động trong các HTX nông - lâm - thủy sản đạt gần 3 triệu đồng/người/tháng; với các HTX xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng đạt hơn 3,5 triệu đồng/người/tháng; lĩnh vực giao thông vận tải đạt trung bình từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Phần lớn các HTX trên địa bàn tỉnh hoạt động ở mức trung bình, thậm chí có HTX hoạt động cầm chừng, hiệu quả không cao, chưa mang lại lợi ích như mong muốn cho các thành viên. Chính vì thế, nhiều HTX chỉ hoạt động được thời gian ngắn phải giải thể. Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, mỗi năm toàn tỉnh thành lập mới khoảng 30 HTX, nhưng số HTX bị giải thể cũng khoảng 10 - 12 HTX; số HTX hoạt động khá, tốt chỉ chiếm 30% tổng số HTX.

Ông Phí Văn Dương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Ðể hỗ trợ các HTX phát triển bền vững, những năm qua Liên minh HTX tỉnh đã triển khai các chính sách, hoạt động tư vấn, hỗ trợ HTX phát triển thành viên; tư vấn, hỗ trợ xây dựng dự án vay vốn; hỗ trợ xúc tiến thương mại; hỗ trợ khoa học công nghệ và đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho xã viên. Mỗi năm, Liên minh HTX tỉnh tư vấn, hỗ trợ 4 - 5 HTX tham gia các hội chợ trong, ngoài tỉnh để giới thiệu, quảng bá tiêu thụ sản phẩm; phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ chuyển giao công nghệ, kỹ thuật… Tuy nhiên, đánh giá tổng thể hiệu quả hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh chưa cao. Nguyên nhân chính là do nguồn lực của các HTX yếu nên quy mô sản xuất nhỏ; dây chuyền công nghệ lạc hậu; mẫu mã chưa đẹp mắt, chất lượng sản phẩm chưa cao; công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm chưa được chú trọng. Bên cạnh đó, do trình độ, năng lực của cán bộ quản lý HTX chưa cao, chưa xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện HTX và thực tế địa phương. Ngoài ra, các cơ chế, chính sách của tỉnh, Trung ương hỗ trợ, trợ lực cho HTX phát triển chưa được triển khai kịp thời. Số HTX được thụ hưởng chính sách rất ít so với nhu cầu thực tế. 

Việc cụ thể hóa các cơ chế, chính sách của Trung ương và phân bổ nguồn lực để áp dụng cụ thể tại các địa phương trên địa bàn tỉnh ta đang rất hạn chế. Ðây là nguyên nhân chính khiến các HTX chưa tiếp cận được nguồn hỗ trợ của Nhà nước trong quá trình vận hành và phát triển. Theo ông Phí Văn Dương, hiện nay Trung ương có nhiều chính sách hỗ trợ, trợ lực các HTX phát triển song số chính sách được áp dụng trên địa bàn tỉnh rất ít. Một số chính sách đã được tỉnh cụ thể hóa, HÐND tỉnh đã có nghị quyết thông qua nhưng không có nguồn lực thực hiện.

Ðề án phát triển kinh tế tập thể tỉnh Ðiện Biên, giai đoạn 2016 - 2020 đã được HÐND tỉnh thông qua, tổng nguồn vốn thực hiện trên 30 tỷ đồng. Các HTX đủ điều kiện sẽ được hỗ trợ một số nội dung như: Thuê đất, xây dựng trụ sở, triển khai các mô hình điểm, bao bì, nhãn mác sản phẩm, quảng bá và giới thiệu sản phẩm… Tuy nhiên sau 5 năm triển khai thực hiện, số kinh phí để thực hiện Ðề án rất ít, khoảng 10 tỷ đồng (đạt 33,33% tổng nguồn vốn dự kiến). Nhiều nội dung, hạng mục các HTX đủ điều kiện thụ hưởng nhưng thiếu vốn nên không được thực hiện. Ðơn cử nội dung hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, so với yêu cầu, quy định của đề án thì toàn tỉnh có nhiều HTX đủ điều kiện song đến nay mới có 2 HTX được hỗ trợ xây dựng trụ sở là: HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Yên và HTX Dịch vụ tổng hợp Noong Hẹt. Ngoài ra, một số chính sách như: Nghị định 57/2018/NÐ-CP, ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã được UBND tỉnh cụ thể hóa bằng Quyết định số 42/2019/QÐ-UBND ngày 9/12/2019 về Ban hành định mức hỗ trợ từng loại dự án, hạng mục, công trình đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Song đến nay, chưa có dự án nào được tiếp cận, thụ hưởng chính sách này. Hoặc Quyết định 45/2018/QÐ-UBND, ngày 24/12/2018 của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm - nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh, đến nay nhiều HTX vẫn chưa được thụ hưởng dù đã đủ điều kiện.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top