Thay đổi để giảm nghèo hiệu quả

09:00 - Chủ Nhật, 27/06/2021 Lượt xem: 4426 In bài viết

ĐBP - Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, hàng loạt chính sách đang được các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện, như: Chương trình 30a/CP, 135/CP, xây dựng nông thôn mới… Giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh hơn 2.345 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư phát triển hơn 1.806 tỷ đồng và vốn sự nghiệp hơn 539 tỷ đồng.

Công tác giảm nghèo đã đạt những thành quả đáng ghi nhận song tỷ lệ hộ nghèo mới giảm từ 48,14% (đầu năm 2016) xuống còn 30,67% vào cuối năm 2020. Đặc biệt, mục tiêu đưa các địa bàn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn chưa đạt hiệu quả cao. Đầu năm 2016 toàn tỉnh có 5 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a và 2 huyện hưởng 70% chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng huyện nghèo theo Quyết định 293/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhưng qua 5 năm thực hiện giảm nghèo, đến nay toàn tỉnh vẫn còn 7 huyện nghèo. Đối với các xã đặc biệt khó khăn, đầu năm 2016 toàn tỉnh có 98 xã đến nay vẫn còn 96 xã. Cùng với đó, một số chính sách hỗ trợ, chương trình giảm nghèo trong quá trình thực hiện chưa phát huy được hiệu quả hoặc còn nhỏ lẻ.

Người dân xã Xa Dung, huyện Điện Biên Đông chăm sóc bò giống được hỗ trợ.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho nguồn lực đầu tư lớn, nhưng hiệu quả xóa đói giảm nghèo lại chưa được như kỳ vọng. Trong đó, cơ chế hỗ trợ đầu tư cho các huyện còn dàn trải, chưa đầu tư đến cùng cho từng sản phẩm, dự án để phát huy hiệu quả đầu tư. Thực tế có nhiều dự án hỗ trợ hộ nghèo phát triển vùng nguyên liệu về trồng trọt, chăn nuôi nhưng không đồng bộ với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nên sản phẩm làm ra khó tiêu thụ. Bên cạnh đó, dù có nhiều chính sách, chương trình dự án trên địa bàn với nhiều nguồn vốn khác nhau, nhưng mỗi nguồn vốn lại điều hành theo cơ chế riêng, với nhiều đầu mối khác nhau. Hiện nay có nhiều loại chính sách khác nhau cho người nghèo, vùng dân tộc thiểu số, gây ra dàn trải, không thành sức mạnh tập trung giúp người nghèo thoát nghèo bền vững. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo thường có mục tiêu lớn, nhưng thời gian thực hiện ngắn, định mức hỗ trợ thấp. Thực tế cho thấy chính sách hỗ trợ giảm nghèo thời gian qua được thiết kế theo hướng ai nghèo cũng được hỗ trợ. Đây là sự nhân văn, nhưng điều này cũng khiến hiệu quả của việc giảm nghèo có lúc, có nơi không đạt, tạo cớ cho người nghèo lười lao động, có tư tưởng ỷ lại, không muốn thoát nghèo để tiếp tục thụ hưởng sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng. Nhiều hộ tự bằng lòng với cuộc sống hiện tại, thiếu ý thức vươn lên thoát nghèo.

Để phát huy hiệu quả công tác giảm nghèo, cần nghiên cứu, tích hợp các chính sách, nội dung giảm nghèo tương tự hoặc gần giống nhau, tạo thành nguồn lực tập trung. Đơn cử, tích hợp thiết kế lại nội dung của Tiểu dự án 4 thuộc Dự án 1 (Chương trình 30a), bổ sung nội dung hỗ trợ cho công tác tuyên truyền xuất khẩu lao động bởi kinh phí cấp cho tiểu dự án 4 nhiều nhưng không có nội dung chi cho tuyên truyền. Việc thực hiện các nội dung chi của Tiểu dự án 4 hiện nay đối với một số huyện trên địa bàn tỉnh rất khó khăn, không thực hiện được gây lãng phí nguồn lực đầu tư. Tương tự, tích hợp chính sách hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Dự án 1 (Chương trình 30a) với Dự án 2 (Chương trình 135) bởi cơ bản giống nhau về mục tiêu, đối tượng thụ hưởng, nội dung hỗ trợ để đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Trung ương cũng như cơ chế vận động nhân dân đóng góp, đối ứng ở địa phương.

Sự tác động mạnh mẽ của chính sách là quan trọng. Nhưng tác động theo hướng nào vẫn là câu chuyện đáng bàn. Trong những năm gần đây, tỉnh đã nhìn ra được nhược điểm lớn nhất trong các chính sách chính là hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo quá nhiều, nên nhiều đối tượng không muốn thoát nghèo. Bởi vậy, đã có sự đổi mới trong chủ trương giảm nghèo theo hướng giảm cho không, tăng cho vay ưu đãi, hỗ trợ có điều kiện, tăng cường đầu tư cho sinh kế là chính. Nhà nước chỉ hỗ trợ về cơ chế, chính sách, nguồn lực, hướng dẫn; bản thân người nghèo phải chủ động vươn lên, xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại. Hướng đi mới là tập trung tác động vào ý thức người nghèo để họ vươn lên thoát nghèo; hỗ trợ tập trung vào sinh kế bền vững với sự trợ giúp từ chính sách chứ không phải người dân kêu đói là cho gạo, kêu thiếu là hỗ trợ tiền như trước đây. Cùng với đó, cơ quan thẩm quyền xem xét điều chỉnh Thông tư số 15/2017/TT-BTC ngày 15/02/2017 quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo hướng mở rộng đối tượng hỗ trợ cho cả hộ không nghèo, có kiến thức khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất khi tham gia dự án.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top