Cần thay đổi tư duy sản xuất cho người dân vùng cao

07:46 - Thứ Hai, 19/07/2021 Lượt xem: 3931 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, nguồn lực đầu tư cho người dân vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Tuy nhiên, đời sống của người dân nhìn chung còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Một trong những nguyên nhân chính là tư duy, tập quán canh tác sản xuất của người dân còn lạc hậu, chủ yếu tự cung tự cấp, phụ thuộc tự nhiên; không ít người còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Vì vậy, để xóa đói giảm nghèo, nhất thiết phải thay đổi tư duy sản xuất của người dân.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Điện Biên Đông giải ngân cho người dân vay vốn sản xuất (ảnh chụp tháng 4/2021).

Thiếu vốn, ít kinh nghiệm, tư duy canh tác lạc hậu, chậm ứng dụng khoa học kỹ thuật… là thực trạng trong sản xuất nông nghiệp của đa số người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh hiện nay. Vì vậy, vòng luẩn quẩn đói nghèo vẫn đeo bám nhiều năm qua. Gia đình ông Mào Văn Pồn, bản Mường Toong 3, xã Mường Toong (huyện Mường Nhé) gặp nhiều khó khăn, cái nghèo đeo bám lâu năm không phải vì gia đình ông thiếu đất sản xuất, thiếu con giống để nuôi mà do sự lạc hậu trong suy nghĩ, cách làm. Gia đình ông cũng đầu tư mua các loại con giống về nuôi, nhưng hình thức chăn nuôi thả rông, manh mún, chưa quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, phòng bệnh nên vật nuôi phát triển rất chậm, không đảm bảo chất lượng. Trong sản xuất lúa nương thì chỉ gieo hạt xong là phó mặc cho tự nhiên, gia đình chưa quan tâm đến sâu bệnh, chế độ phân bón. Vì vậy, nếu năm nào mưa thuận, gió hòa thì có thu hoạch, nếu thời tiết bất thuận thì lại mất mùa.

Cũng như gia đình ông Pồn, đời sống của gia đình anh Giàng Nhè Hạ, bản Chua Ta B, xã Tìa Dình (huyện Điện Biên Đông) cũng rất khó khăn. Sản xuất nông nghiệp gần như phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, năm được mùa, năm thì mất, là nguyên nhân chính khiến đời sống gia đình anh gặp khó khăn. Theo anh Giàng Nhè Hạ, trước đây gia đình chủ yếu canh tác lúa nương, nhưng năng suất thấp, hiệu quả không cao; nhiều năm mất mùa, thiếu đói. Vài năm gần đây, anh chuyển sang trồng bí xanh, bí đỏ, nhưng hiệu quả cũng không hơn so với trồng lúa nương là bao.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số. Giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện chính sách dân tộc thuộc Chương trình 135, tổng số nguồn lực huy động hơn 142,5 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, đã có gần 13 nghìn lượt hộ dân được hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; gần 1.400 hộ được hỗ trợ nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả tiên tiến; hơn 2.300 hộ được hỗ trợ mua sắm thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản… Ngoài ra, chưa kể hàng trăm công trình xây dựng phục vụ đời sống người dân. Tuy nhiên, sự chuyển biến về trình độ sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi diễn ra rất chậm nên năng suất thấp; trình độ dân trí còn hạn chế; chưa biết cách áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, chưa biết lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp; một bộ phận dân cư còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước... dẫn đến tỉ lệ hộ nghèo ở khu vực này rất cao. Năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 38,8%, chiếm trên 95% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tư duy sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số còn lạc hậu; trong đó nhiều trường hợp không chịu thay đổi để được hưởng hỗ trợ của Nhà nước. Song cũng có phần trách nhiệm của cơ quan liên quan, chính quyền địa phương về công tác truyền thông giảm nghèo, hướng dẫn người dân thay đổi tư duy sản xuất chưa đến nơi, đến chốn. Sẽ rất khó khăn để thay đổi được truyền thống, tư duy sản xuất của người dân, nhưng dù khó vẫn phải làm. Điều đó cần có sự vào cuộc chủ động, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và hỗ trợ người dân. Trong đó cần tranh thủ, phát huy vai trò của cán bộ cơ sở, đảng viên, già làng… để làm gương cho người dân noi theo.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top