Gỡ khó tiêu thụ nông sản cho nông dân

08:21 - Thứ Tư, 11/08/2021 Lượt xem: 3984 In bài viết

ĐBP - Tỉnh ta có nhiều lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, song các sản phẩm nông nghiệp còn gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Do đó việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp với người dân có vai trò quan trọng nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần bảo đảm tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định cho nông dân. Cùng với đó, các doanh nghiệp khi tham gia liên kết sản xuất với nông dân cũng chủ động được nguồn cung sản phẩm nông nghiệp với giá cả ổn định.

Đến xã Na Sang (huyện Mường Chà) vào thời điểm thu hoạch dứa, mặc dù dịch Covid-19 tác động không nhỏ đến việc tiêu thụ sản phẩm, nhưng niềm vui vẫn hiện rõ trên khuôn mặt của người dân bởi họ không còn phải lo lắng về việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã thành lập 2 hợp tác xã dứa (Hợp tác xã dứa Na Sang và Hợp tác xã dứa Sa Lông). Thông qua hợp tác xã, người dân yên tâm sản xuất, sản phẩm được hợp tác xã ký hợp đồng tiêu thụ với các công ty, nhà máy chế biến ở các tỉnh khác. Ngoài việc bao tiêu sản phẩm, các hợp tác xã còn liên kết với địa phương thực hiện dán tem chứng nhận sản phẩm an toàn và túi đóng gói sản phẩm. Đồng thời cung cấp phân bón và hướng dẫn người dân cách chăm sóc cây dứa theo đúng quy trình, giúp cây dứa ra quả to, chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Cũng với mục tiêu nâng cao chất lượng lúa gạo trên địa bàn tỉnh, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên (huyện Điện Biên) đã liên kết với nông dân xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn, sản xuất lúa gạo chất lượng cao. Hợp tác xã hỗ trợ giống, vật tư, thuốc bảo vệ thực vật; hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc lúa an toàn và bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá ổn định. Nhờ đó, đến nay đã thu hút được 230 hộ nông dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất. Diện tích sản xuất lúa gạo chất lượng cao cũng tăng lên từ 31ha (năm 2016) lên hơn 150ha (năm 2020). Sản phẩm gạo của hợp tác xã được chứng nhận theo chuỗi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, quét mã truy xuất nguồn gốc (mã QR) góp phần nâng cao giá trị thương hiệu gạo Điện Biên.

Thực tế cho thấy, từ mối liên kết giữa người dân với doanh nghiệp đã tạo ra bước đột phá quan trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Qua đó, giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; khắc phục được tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tạo vùng nguyên liệu và ổn định đầu ra cho sản phẩm. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hút, xây dựng 23 chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn. Để việc liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm giữa bà con nông dân với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị thực sự phát triển bền vững, thời gian tới các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần có kế hoạch phát triển cụ thể; rà soát, quy hoạch hàng hóa theo vùng sản xuất, mở rộng quy mô thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Huy động các nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, như: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, quan tâm phát triển công nghiệp chế biến nông sản... Bên cạnh đó, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tạo cơ chế thông thoáng để khuyến khích doanh nghiệp có tiềm lực tham gia tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị.

Thành Đạt
Bình luận
Back To Top