Vấn đề bạn đọc quan tâm

Không hạ chỉ tiêu tăng trưởng

13:42 - Thứ Tư, 11/08/2021 Lượt xem: 3289 In bài viết

ĐBP - Trong cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy mới đây, bàn về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2021, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thắng kết luận, không hạ chỉ tiêu tăng trưởng. Mặc dù GRDP 6 tháng đầu năm đạt 3,65%, nhưng Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành, huyện thị, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức cần phát huy tinh thần tích cực, chủ động, đề ra các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa, để đạt mức tăng trưởng kinh tế cả năm 7%. Cán đích con số đó, những tháng cuối năm tăng trưởng kinh tế phải đạt 10% thì GRDP bình quân cả năm 2021 mới đạt tối thiểu 7%...

Biết mình biết ta thì trăm trận trăm thắng. Hơn ai hết, các đồng chí lãnh đạo tỉnh nắm rất rõ dự địa, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để tập trung chỉ đạo phát triển KT - XH. Một mặt, cũng nhận thức rất rõ những bất cập, khó khăn, nhất là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 trong phát triển kinh tế.

Trong bối cảnh khó khăn chung, nguồn ngân sách Trung ương đầu tư, hỗ trợ hạn chế, do đang tập trung phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thì tỉnh cần chủ động khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh địa phương. Cụ thể, trong nông nghiệp, ngoài các cây, con truyền thống, cần tập trung phát triển cây mắc ca. Hiện đã có 5 dự án trồng mắc ca, diện tích quy hoạch, cấp phép trên 17.000ha, nhưng do vướng mắc nhiều thủ tục khác nhau; một bộ phận người dân chưa "thông" chủ trương góp đất nên diện tích thực trồng mắc ca chỉ đạt hơn 15% (sau 5 năm thực hiện). Một con số quá khiêm tốn so với mong muốn của tỉnh.

Là cây "mũi nhọn", cây "triệu đô", điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để phát triển mắc ca. Do vậy, trong thời gian tới, tỉnh cần chỉ đạo quyết liệt, các ngành "ngồi lại với nhau" để tháo gỡ khó khăn, mở rộng diện tích trồng mắc ca. Đây là hướng đi phù hợp, giúp người dân sau khi góp đất còn có thêm việc làm, tăng thu nhập, cũng là động lực thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát tiển.

Một mặt, chú trọng phát triển công nghiệp - xây dựng, trọng tâm là sản xuất vật liệu xây dựng. Trong bối cảnh giá một số nguyên, vật liệu xây dựng tăng cao, khan hiếm do phải vận chuyển dưới xuôi lên thì tỉnh cần chỉ đạo các doanh nghiệp chủ động sản xuất tại chỗ. Các sở, ngành liên quan hoàn thiện các thủ tục, giấy tờ để cho vật liệu "sau sinh được thông hành" đảm bảo yêu cầu, thủ tục, sát với giá thị trường. Tránh tình trạng, doanh nghiệp làm ăn chân chính, nộp thuế nhà nước đầy đủ thì "chết yểu", còn doanh nghiệp hoạt động "chui" thì sống khỏe như thời gian qua.

Mặc dù tỉnh đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh Covid-19, nhưng do chủng mới Delta lây lan nhanh, diễn biến phức tạp. Do đó cần tập trung cao độ phòng, chống dịch bệnh quái ác này. Lực lượng chức năng chốt chặn, kiểm soát gắt gao các "cửa ngõ" giao thông vào tỉnh, trên các tuyến biên giới. Phát huy tốt vai trò "mỗi người dân là một chiến sỹ" trên mặt trận phòng chống dịch bệnh. Có người lạ, người thân, hàng xóm vào địa bàn phải yêu cầu khai báo y tế; sẵn sàng tố giác những người không chấp hành quy định phòng chống dịch... thì tỉnh ta mới lọt vào "vùng xanh" để thực hiện "mục tiêu kép" trong phát triển KT - XH được.

Sau gần 2 năm đối phó với dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã "mệt mỏi, đu xà quá lâu" nên ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu, lợi nhuận; công nhân, người lao động mất việc làm, giảm thu nhập, tác động tiêu cực đến các vấn đề xã hội. Do vậy, cần chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các gói an sinh hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động và các nhóm đối tượng khác. Không để doanh nghiệp giải thể, phá sản, sẽ dẫn tới "đứt gãy xương sống" của nền kinh tế. Doanh nghiệp "lay lắt" sẽ không chung tay với tỉnh trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và "đồng hành" phòng chống dịch bệnh.

Điện Biên đang tập trung quyết liệt cho các dự án trọng điểm: Đường 60m, Dự án Hạ tầng kỹ thuật khung dọc trục đường 60m; Dự án cải tạo, nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên… Chủ đầu tư, các sở, ngành liên quan phải "chụm đầu lại" tháo gỡ khó khăn, nhất là phương án đền bù, giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Là tỉnh nghèo, xin được vốn Trung ương, vốn vay nước ngoài đầu tư hạ tầng đã rất khó. Nay do một vài nguyên nhân, một vài cá nhân yếu năng lực, thiếu tinh thần phối hợp; thực hiện công việc "không vì dân"... dẫn tới có tiền mà không tiêu được, là có lỗi với dân, chưa hoàn thành nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao.

Là "công bộc của dân" thì phải khắc phục tư duy chờ chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên trong thực thi công vụ, nhất là thực hiện các chương trình, dự án phát triển KT - XH. Mặt khác, cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Cấm kỵ việc "tỉnh mở, sở thắt" trong cải cách hành chính, thu hút, mời gọi đầu tư. Phải xem nhà đầu tư như "chim mồi". Họ đến với mình, mang tiền cho mình thì phải có cơ chế, chính sách phù hợp, đặc thù để "giữ chân" họ lại. Còn nếu vẫn "trên rải thảm, dưới rải đinh" thì không doanh nghiệp nào chuyên tâm đầu tư làm ăn vào tỉnh.

Diễn biến KT - XH những tháng cuối năm còn phức tạp. Do vậy, cần thường xuyên rà soát, theo dõi kết quả và có sự điều chỉnh chỉ tiêu trong kịch bản tăng trưởng kinh tế sát thực tế. Kết quả cuối cùng là phải đạt mục tiêu GRDP tăng tối thiểu 7% như đề ra.

Tùng Lĩnh
Bình luận
Back To Top