Vấn đề hôm nay

Sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công

13:30 - Thứ Tư, 01/09/2021 Lượt xem: 3634 In bài viết

ĐBP - Mới đây, trong phiên họp thường kỳ tháng 8, UBND tỉnh đã thống nhất thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, vốn đầu tư công cho 5 năm tới sẽ là 12.807.430 triệu đồng, trong đó vốn NSTW 7.594.880 triệu đồng; vốn NSĐP 5.212.550 triệu đồng. So với giai đoạn 2016 - 2020, vốn đầu tư công tăng khoảng 2.800 tỷ đồng.

Trong điều kiện đất nước còn khó khăn, nguồn ngân sách địa phương tự cân đối hạn chế, việc được bố trí trên 12,8 nghìn tỷ đồng để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh... trên địa bàn tỉnh thể hiện sự quan tâm, tạo điều kiện của Trung ương và các Bộ, ngành... Bình quân mỗi năm có trên 2.500 tỷ đồng vốn đầu tư công dùng vào kiến thiết hạ tầng cơ sở, các chương trình mục tiêu quốc gia... phục vụ lợi ích nhân dân. Sau 5 năm triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, kết cấu hạ tầng được cải thiện căn bản, góp phần quan trọng thực hiện các nhiệm vụ chính trị về xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh theo mục tiêu, định hướng, chiến lược đã đề ra. GRDP của tỉnh bình quân 5 năm qua tăng 6,83%; tỷ lệ hộ nghèo từ 48,14% (năm 2015) giảm xuống còn 30,67% (năm 2020).

Sau khi UBND tỉnh thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn, dự kiến nguồn vốn phân bổ hàng năm, lựa chọn các công trình quan trọng, thiết yếu ưu tiên đầu tư trước... người dân, nhất là các chủ đầu tư rất vui mừng, phấn khởi. Vì rằng, lần này, UBND tỉnh đã chủ động công bố công khai danh mục các chương trình, dự án, nguồn vốn... được ưu tiên đầu tư; cũng như cắt giảm, điều chuyển vốn một số chương trình, dự án chưa thực sự cấp bách. Chính quyền các địa phương, sở ngành được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư các chương trình, dự án cũng thấy những hạng mục lựa chọn đầu tư trong 5 năm tới là rất thiết thực, hữu ích, góp phần quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh.

Nhìn lại cả giai đoạn đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, bên cạnh cái được, cũng còn bộc lộ những hạn chế, bất cập. Cụ thể: nguồn vốn ngân sách địa phương toàn bộ do cấp tỉnh quản lý, không thực hiện phân cấp cho cấp huyện nên chưa tạo được sự chủ động, linh hoạt trong tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công của cấp huyện. Thủ tục điều chỉnh kế hoạch còn phức tạp ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Phương án phân bổ vốn ngân sách địa phương cho các danh mục dự án chưa được sắp xếp theo ngành, lĩnh vực được quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước; việc bố trí vốn cho các dự án thuộc ngành, lĩnh vực trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố tại một số địa phương chưa thật sự hợp lý, chưa tập trung ưu tiên cho các ngành, lĩnh vực mà địa phương đó cần phát triển theo quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Tiến độ triển khai thực hiện một số dự án trọng điểm còn chậm, việc quản lý chất lượng xây dựng của một số dự án còn thiếu chặt chẽ, nhất là các dự án nhỏ lẻ ở vùng sâu vùng xa; việc giải ngân của một số chương trình, dự án chưa đáp ứng yêu cầu...

Trên cơ sở những tồn tại, bất cập đó, UBND tỉnh đã thống nhất phương án sử dụng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 theo nguyên tắc, thứ tự ưu tiên. Khắc phục triệt để tình trạng phân bổ vốn dàn trải, tránh lãng phí. Chỉ bố trí vốn cho dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản pháp luật có liên quan.

Tỉnh ưu tiên bố trí, sử dụng vốn ngân sách vào các chương trình, dự án có tính chất tạo đột phá trong thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân theo phương thức đối tác công - tư để tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, đặc biệt đối với các dự án có sức lan tỏa rộng và tác động lớn đến phát triển kinh tế của tỉnh. Bên cạnh đó là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung bố trí vốn để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng (Dự án nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Điện Biên; Dự án Đường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực dọc trục QL 279 và QL12...). Các dự án có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, có tính kết nối và lan tỏa giữa các vùng. Tiếp tục ưu tiên nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn và các khu vực thường xuyên bị thiên tai. Việc sử dụng vốn đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả trong lập kế hoạch đầu tư công trung hạn...

Bên cạnh các giải pháp nói trên, tỉnh cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công. Nếu chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư nào để thất thoát, lãng phí vốn đầu tư công như việc "làm ngơ" cho nhà thầu thi công các chương trình, dự án kém chất lượng, thời gian thi công kéo dài... thì kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật. Thực tế, trong những năm gần đây, có nhiều công trình, dự án, nhất là dự án về giao thông, thủy lợi, kè chống sạt lở... chất lượng thấp, báo chí phản ánh nhiều lần nhưng chủ đầu tư, chính quyền địa phương xử lý không đến nơi đến chốn. Với những chủ đầu tư kém năng lực, hoặc cố tình gây khó khăn cho nhà thầu, chậm thanh quyết toán, để "khê" vốn theo tiến độ giao hàng năm thì kiên quyết điều chuyển cho các chủ đầu tư khác; đồng thời xử lý nghiêm người đứng đầu vì không hoàn thành nhiệm vụ.

Tùng Lĩnh
Bình luận
Back To Top