Điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh trong tình hình dịch bệnh

08:11 - Thứ Tư, 08/09/2021 Lượt xem: 4320 In bài viết

ĐBP - Với mục tiêu vừa duy trì hoạt động sản xuất vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19, nhiều đơn vị doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh bằng cách chuyển đổi mô hình, tổ chức lại sản xuất nhằm cắt giảm chi phí, thích ứng với đại dịch.

Cán bộ, nhân viên Khách sạn Mường Thanh rà soát số khách lưu trú tại khách sạn.

Trước đây mỗi dịp cuối tuần hoặc ngày lễ, Điện Biên lại đón nhiều du khách đến vui chơi, tham quan, nghỉ dưỡng. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại nước ta, hoạt động này trở nên trầm lắng. TP. Điện Biên Phủ vắng khách du lịch. Khách sạn hoạt động nhưng lay lắt, cầm chừng.

Anh Đặng Việt Dũng, Giám đốc Khách sạn Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ) cho biết: Do dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều địa phương nên trên tuyến quốc lộ cơ quan chức năng lập chốt phòng dịch. Khách ngoại tỉnh không thể đến. Một số ít khách nội tỉnh họa may chỉ ghé khách sạn lưu trú vài ngày khi có công việc tại thành phố. Còn các dịch vụ như: Tiệc cưới, hội nghị, bar, karaoke đã tạm dừng hoạt động để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch. Hiện nay, khách sạn có 132 phòng nhưng chỉ có từ 1 - 2 phòng/ngày có khách lưu trú. Vì vậy doanh thu giảm mạnh, từ khoảng 3,5 tỷ đồng/tháng trước đây nay chỉ còn dưới 200 triệu/tháng, công suất sử dụng phòng giảm còn dưới 1%. Để điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh, khách sạn buộc phải cắt giảm nhân sự xuống còn 10 người đi làm/ngày ở các bộ phận như lễ tân, an ninh, buồng phòng và 14 công/tháng đối với 1 nhân sự. Ngoài ra, bộ phận bếp ăn không hoạt động nên hàng ngày những nhân viên đi làm chuyển từ ăn ca sang tự túc. Do lượng khách giảm mạnh, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch khách sạn chỉ bố trí khách nội tỉnh có nhu cầu lưu trú tại 2 tầng cố định, còn lại cắt toàn bộ hệ thống điện, nước để giảm chi phí phát sinh. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các trang thiết bị tạm thời không hoạt động.

Đối với các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh, để duy trì hoạt động đã không ngừng thay đổi, chủ động tìm kiếm các giải pháp tự nâng cao năng lực thích ứng trong tình hình mới.

Ông Lò Văn Pâng, Chủ nhiệm HTX Hồng Phước cho biết: Trước kia, có thời điểm HTX có hơn 100 lao động trực tiếp tham gia sản xuất, chế biến tinh bột miến dong và làm miến thành phẩm. Mỗi năm HTX thu mua khoảng 1.500 tấn củ dong tươi, sản xuất khoảng 3.000 - 3.500 tấn bột cung cấp cho thị trường Hà Nội. Tuy nhiên, hiện nay mọi ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh của các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất đều bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh Covid-19. Mặc dù không bị ảnh hưởng tới vùng nguyên liệu song việc phân phối sản phẩm ra thị trường, chuỗi cung ứng sản phẩm của HTX thường xuyên bị đứt đoạn, nhất là sản phẩm miến dong chỉ bán vào dịp cuối năm, chuẩn bị tết Nguyên đán. Để điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh, HTX đã giảm số lao động xuống còn 20 người để cắt giảm chi phí. Hiện nay doanh thu giảm 50%; một tháng HTX chỉ sản xuất từ 3 - 4 ngày, trung bình 3 tấn miến dong/tháng, còn lại dừng hoạt động để cân đối với sản lượng tiêu thụ.

Theo thống kê từ Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, trong quý II/2021 trên địa bàn tỉnh có tới 90% doanh nghiệp phải giảm quy mô sản xuất kinh doanh; khoảng 52% doanh nghiệp có doanh thu bị giảm trên 70% và 45% doanh nghiệp bị giảm doanh thu từ 50 - 70%. Trong tháng cao điểm dịch Covid-19 bùng phát, Điện Biên có đến 90% đơn vị, doanh nghiệp ngành thương mại, du lịch, dịch vụ, vận tải giảm doanh thu trên 70%; ngành xây dựng có 50% đơn vị giảm doanh thu từ 30 - 50%.

Trước những ảnh hưởng của dịch bệnh, Hiệp hội đã tổ chức nhiều cuộc khảo sát, nắm tình hình hoạt động của các đơn vị, doanh nghiệp, HTX nhằm kịp thời đề xuất với tỉnh các chủ trương, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục và ổn định sản xuất kinh doanh. Căn cứ vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh phân chia thành các nhóm ngành nghề (nông, lâm, thủy sản; thương mại, dịch vụ; sản xuất, xây dựng; tài chính, ngân hàng; du lịch) để lựa chọn hoạt động, dịch vụ phù hợp, đáp ứng tốt hơn yêu cầu cho các hội viên. Ngoài ra chú trọng tổ chức liên kết, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hợp tác sản xuất, kinh doanh giữa các hội viên; hướng dẫn hội viên tiếp cận các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trước mắt, để điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh, các đơn vị, doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh buộc phải cắt giảm 30 - 50% lao động, tổ chức lại sản xuất nhằm mục tiêu đảm bảo hài hòa giữa công tác phòng, chống dịch bệnh và duy trì sản xuất.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top