Lúa lẫn - Dấu hiệu một dịch hại?

10:29 - Thứ Tư, 29/09/2021 Lượt xem: 2198 In bài viết

ĐBP - Từ đầu những năm 2010, hiện tượng lúa lẫn đã xuất hiện trên cánh đồng Mường Thanh. Lúa lẫn được bà con gọi với các tên như: “Lúa ma”, “lúa kời”, xảy ra trên một số cánh đồng các xã vùng lòng chảo, với tỉ lệ cây lẫn khoảng 1%. Tỉ lệ lúa lẫn tăng dần, năm sau cao hơn năm  trước. Đến vụ mùa năm 2021, tỉ lệ lúa lẫn tăng lên đáng kể; xảy ra tại hầu hết các xã, phường, tăng theo điều kiện canh tác của từng hộ, từng xã. Tỉ lệ diện tích bị lẫn lúa kời có khác nhau, bà con bỏ công sức ra cắt khử lúa kời cũng khác nhau, mỗi 1.000m2 phải bỏ ra từ 2 công đến 10 công để cắt bỏ lúa kời. Qua kiểm tra đồng ruộng nhận thấy, những ruộng cấy, những vựa gieo vãi bà con bỏ công cắt lúa kời tỉ lệ lẫn ít; những ruộng cắt bỏ lúa kời không triệt để, đặc biệt là không cắt bỏ lúa kời, tạo điều kiện cho lúa kời phát triển mạnh, cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng với các giống lúa bà con đưa vào gieo trồng, ảnh hưởng lớn tới năng suất, chất lượng lúa, gạo. 

Người dân thu hoạch lúa trên cánh đồng Mường Thanh. Ảnh tư liệu

Tại xã Thanh Luông (huyện Điện Biên), nhiều hộ gia đình vụ mùa năm 2021 bị thất thu do lúa kời. Vụ mùa năm nay, gia đình ông Vũ Quý Ngọc - bà Vũ Thị Thuần, thôn Thanh Bình B gieo cấy 8.000m2 giống VNR 20, bị lúa lẫn nhiều, tỉ lệ lẫn trên 50%, có ruộng lúa lẫn lấn át làm cho lúa được gieo trồng không sinh trưởng được, trên ruộng chỉ có lúa lẫn, hạt lúa lẫn rụng trắng cả mặt ruộng. Những vụ trước, hộ nhà ông Ngọc gieo trồng giống lúa nếp 97 đỡ lẫn hơn, năm nay, gia đình đầu tư giống mới VNR 20, giá 40.000 đồng/kg với hi vọng đạt năng suất, chất lượng cao hơn. Song thực tế không đạt mong đợi, nhiều khả năng 1.000m2 không thu nổi 2 tạ thóc, chất lượng lại không đạt, thóc chỉ bán cho các nhà chăn vịt.

Trao đổi với chị Vũ Thị Châu, thôn Thanh Bình A, xã Thanh Luông về tình hình lúa kời sinh trưởng, phát triển tại thôn, chị Châu cho biết, trên đồng ruộng xã Thanh Luông, thôn, bản nào cũng bị hiện tượng lúa kời mọc lẫn trong ruộng. Ở thôn Thanh Bình A, hộ nào không bỏ công cắt tỉa lúa kời đều xảy ra tình trạng năng suất lúa gieo cấy bị sụt giảm mạnh, điển hình như gia đình ông Vũ Quý Ngọc và một số hộ khác.

Lúa kời có đặc điểm dễ rụng hạt, loại thấp chín và rụng trước, hạt có râu rụng sau. Những ruộng bị lúa kời lấn át coi như không cho thu hoạch, vạch gốc lúa ra thấy các hạt lúa lẫn rụng trắng cả mặt ruộng. Vụ trước, chị Châu nhận định nguồn gốc của tình trạng lúa lẫn là do lúa kời vụ trước rụng xuống, vụ sau lại mọc. Do vậy gia đình chị đã đào lớp đất mặt ruộng, đem về đổ vườn, sau đó cày bừa lại để gieo lúa. Tuy nhiên vẫn bị lúa kời mọc nhiều không kém gì các gia đình khác, chị đặt câu hỏi: Vậy có phải tại lúa kời lẫn trong giống lúa không? Hay do lây lan từ ruộng này sang ruộng khác khi lấy nước vào ruộng?

Còn ông Vũ Quý Ngọc thì nhận định: Phải chăng do việc cấp nước theo lịch gấp, gia đình nào cũng đua nhau làm đất nhanh để gieo, thời gian ngâm ruộng quá ít ngày nên lúa kời không bị thối. Những năm gần đây việc bón vôi trước khi cày, bừa rất ít, có hộ không bón nên hạt lúa kời và rơm rạ chưa kịp phân hủy đã gieo lúa, đặc biệt là vụ mùa, thời gian đất được nghỉ ít, gặt xong vụ chiêm đã vội làm đất để gieo vụ mùa.

Trước tình trạng trên, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên khuyến cáo: Để hạn chế sự sinh trưởng, phát triển của lúa lẫn cần làm đất kỹ, chuyển từ gieo vãi sang cấy để cắt khử lúa lẫn dễ hơn... Tuy nhiên việc áp dụng các khuyến cáo đó vào thực tế canh tác trồng lúa tại cánh đồng Mường Thanh còn khó khăn do thiếu nhiều khâu đồng bộ, như máy cấy còn ít, địa điểm làm mạ không có, nước tưới chia theo lịch... Để giải quyết vấn đề lúa lẫn trên cánh đồng Mường Thanh cần có sự nhận thức, đánh giá vai trò tác hại của lúa kời ra sao. Cần khảo sát, đánh giá lúa kời có phải là một loài dịch gây hại đến sản xuất lúa không? Và nếu kết luận lúa kời đang và sẽ là dịch gây hại cho sản xuất lúa trên cánh đồng Mường Thanh thì chúng ta cần có quá trình nghiên cứu một cách khoa học về quá trình sinh trưởng, phát triển của lúa kời, so sánh với các giống lúa bà con đang gieo, cấy. Đồng thời nghiên cứu về các biện pháp canh tác như: Chọn giống, quản lý giống, làm đất, bón vôi, thời gian cấp nước, thời gian cho đất nghỉ…

Từ kết quả nghiên cứu thực tiễn, khoa học trên cánh đồng, đưa ra được các biện pháp, giải pháp, xây dựng được quy trình sản xuất lúa, hạn chế tối đa sự lây lan của các giống lúa kời, đảm bảo an toàn cho việc thâm canh, tăng năng suất lúa tại cánh đồng Mường Thanh, nhằm tiếp tục giữ vững uy tín, thương hiệu gạo Điện Biên.

Phạm Đức Hiển
Bình luận
Back To Top