Tỷ lệ che phủ rừng năm 2021 của Điện Biên đạt 42,96%

13:35 - Thứ Sáu, 26/11/2021 Lượt xem: 3175 In bài viết

ĐBP - Sáng nay (26/11), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng 11 tháng năm 2021; nhiệm vụ trọng tâm mùa khô 2021-2022.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại hội nghị.

11 tháng qua, các đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động triển khai thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; nâng tỷ lệ che phủ rừng đến nay ước đạt 42,96% (tăng 0,3% so với năm 2020, tương đương tăng 2.826,56ha). Số vụ vi phạm giảm 12,1% so với cùng kỳ năm 2020; công tác quản lý quy hoạch 3 loại rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, quản lý rừng ngoài quy hoạch được quản lý chặt chẽ, rà soát rừng chưa giao để triển khai thực hiện giao theo kế hoạch số 2783/KH-UBND của UBND tỉnh; triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về bảo vệ, phát triển rừng, đặc biệt là chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Hội nghị đã thảo luận, đánh giá, kiến nghị các nội dung: Trong công tác giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cần có văn bản hướng dẫn đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang quản lý bảo vệ rừng nhưng không có hộ khẩu thường trú tại xã có rừng và đất rừng để có cơ sở thực hiện; phê duyệt bổ sung diện tích rừng tự nhiên đang nằm ngoài quy hoạch vào quy hoạch lâm nghiệp để có cơ sở giao đất, giao rừng cho các chủ rừng; phân bổ nguồn kinh phí trồng rừng mới, chăm sóc rừng trồng phòng hộ, khoanh nuôi tái sinh rừng năm 2022 ngay từ đầu năm để các địa phương chủ động triển khai thực hiện; diện tích rừng nằm trong khu vực vành đai biên giới cần có hướng dẫn cụ thể; các địa phương cần tăng cường phối hợp để xử lý các vụ khai thác rừng trái phép giữa khu vực giáp ranh.

Theo nhận định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, số người lao động không có việc làm, lao động ngoại tỉnh trở về địa phương lớn (toàn tỉnh 27.000 lao động). Do vậy nhu cầu về sản xuất phục vụ đời sống của người dân tăng cao sẽ là áp lực rất lớn đến công tác quản lý bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng ở các địa phương. Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung triển khai các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục tăng cường quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 30-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; đẩy nhanh tiến độ giao đất giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, đặc biệt là các địa bàn phức tạp về tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật; đổi mới phương pháp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Tin, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top