Siết chặt quản lý thị trường dịp cuối năm

10:28 - Chủ Nhật, 05/12/2021 Lượt xem: 3046 In bài viết

ĐBP - Là tỉnh không có khu công nghiệp sản xuất, chế biến lớn, do vậy hàng hóa tiêu dùng của Điện Biên chủ yếu được nhập từ các tỉnh khác về bằng xe khách, xe tải. Đặc biệt vào dịp cuối năm lợi dụng nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng, các đối tượng gian lận thương mại sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi nhằm trốn tránh việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của cơ quan chức năng.

Cán bộ Đội QLTT số 1 phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ.

Để siết chặt công tác quản lý thị trường (QLTT) cuối năm, ngay từ quý III, Cục QLTT Điện Biên đã tăng cường quản lý theo từng địa bàn huyện, thị xã, thành phố; chủ động nắm bắt thông tin, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến thị trường và dịch bệnh để kịp thời ứng phó với tình huống xảy ra. Tại địa bàn được giao quản lý, các đội QLTT tập trung giám sát cơ sở kinh doanh các mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19; mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân trong tỉnh. Đồng thời chú trọng kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hoặc dấu hiệu vi phạm đầu cơ, găm hàng, không niêm yết giá, bán không đúng giá niêm yết, lợi dụng dịch bệnh để định giá bán bất hợp lý; buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tính đến hết tháng 10/2021, Cục QLTT Điện Biên đã kiểm tra trên 1.300 vụ, xử lý vi phạm hành chính 366 vụ, tổng số tiền xử phạt thu nộp ngân sách hơn 570 triệu đồng. Trong đó chủ yếu là hành vi vi phạm hành chính: Không niêm yết giá hàng hóa; hàng quá hạn sử dụng; hàng hóa bị hỏng, mốc; hàng hóa vi phạm về nhãn; không treo biển thông báo “không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi”.

Bên cạnh đó, các Đội QLTT chủ động trao đổi thông tin, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh dược phẩm và vật tư y tế; tình trạng mua vét, mua gom, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bất hợp lý; kiểm soát vận chuyển để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh động vật, sản phẩm từ động vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch. Trong quá trình kiểm tra, cán bộ QLTT kết hợp vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, trang thiết bị y tế, dược phẩm ký cam kết thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; không đầu cơ, găm hàng; không lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý; không kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ... Kết quả lực lượng QLTT toàn tỉnh đã tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp cho trên 2.000 lượt tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thông qua công tác quản lý theo địa bàn, kiểm tra, xử lý vi phạm; vận động 1.665 tổ chức, cá nhân ký cam kết không kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; ký quy chế phối hợp với 55 UBND cấp xã trong công tác đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Quản lý địa bàn tập trung số lượng hàng tiêu dùng lớn vào dịp cuối năm, Đội QLTT số 1 thường xuyên kiểm tra, giám sát các siêu thị, trung tâm thương mại, khu vực chợ, cửa hàng kinh doanh trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ. Đây là địa bàn trung chuyển với hầu hết các đại lý sẽ vận chuyển, cung cấp mặt hàng thiết yếu tới các huyện, xã trên địa bàn tỉnh. Do vậy, tại nơi tập kết, chợ đầu mối, các đại lý phân phối, Đội chú trọng kiểm tra kiểm soát tổng thể, từ lương thực, thực phẩm, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) chai, xăng dầu đến thuốc tân dược, thiết bị vật tư y tế, mỹ phẩm... Ngoài kiểm tra định kỳ, Đội còn tiến hành kiểm tra đột xuất, theo chuyên đề, thanh tra chuyên ngành đã được phê duyệt; nhất là kế hoạch những tháng cuối năm, đảm bảo chất lượng, đúng thời gian và tiến độ. Tính từ đầu tháng 10 đến ngày 22/11, Đội kiểm tra 43 vụ, phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 9 vụ, thu nộp ngân sách Nhà nước 39 triệu đồng; trị giá hàng hóa vi phạm hơn 41 triệu đồng.

Bài, ảnh: Đức Kiên
Bình luận
Back To Top