Khắc phục bất cập trong quy hoạch xây dựng nông thôn

05:42 - Thứ Tư, 27/04/2022 Lượt xem: 5336 In bài viết

ĐBP - Chất lượng đồ án quy hoạch chưa cao, thiếu tính đồng bộ và khả thi; không thực hiện khảo sát địa hình mà sử dụng bản đồ địa chính, có xã dùng bản đồ địa chính cũ để lập quy hoạch; nhiều quy hoạch chậm được rà soát, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn… là những bất cập cần sớm giải quyết để nâng cao chất lượng quy hoạch nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé) mới hoàn thành lập quy hoạch chung xây dựng. Trong ảnh: Một góc trung tâm xã Nậm Kè.

Những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành xây dựng kế hoạch triển khai, đôn đốc, hướng dẫn UBND cấp huyện và cấp xã thực hiện công tác quy hoạch xây dựng nông thôn. Đến nay, 115/115 xã toàn tỉnh đã hoàn thành lập quy hoạch chung xây dựng. Sau khi quy hoạch chung được phê duyệt, các xã đã thực hiện việc công khai, niêm yết theo quy định; ban hành quy chế quản lý quy hoạch. Theo nhận định của cơ quan chức năng, các đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn đáp ứng được yêu cầu trước mắt, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển lâu dài trên địa bàn xã. Một số đồ án do cấp xã tổ chức lập còn chưa bám sát các chỉ tiêu trong quy chuẩn về quy hoạch xây dựng; khai thác hiệu quả từ đồ án quy hoạch chung xây dựng nông thôn chưa phát huy được tác dụng của từng địa phương. Việc đóng góp ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan còn hạn chế, chất lượng ý kiến đóng góp chưa cao. Công tác lấy ý kiến cộng đồng dân cư về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch trong các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch xây dựng chưa có quy định cụ thể về tỷ lệ đồng thuận của cộng đồng dân cư nên khó khăn trong việc tổng hợp, xác định tỷ lệ đồng thuận để quyết định việc tổ chức triển khai lập quy hoạch.

Đặc biệt, quy hoạch chung xây dựng nông thôn không thực hiện khảo sát địa hình mà sử dụng bản đồ địa chính, có xã dùng bản đồ địa chính cũ để lập quy hoạch dẫn đến chất lượng đồ án chưa cao. Một số đồ án của các đơn vị khi trình thẩm định còn chưa đảm bảo về thành phần, nội dung, hình thức và chất lượng dẫn tới khó khăn trong công tác thẩm định, đặc biệt là chỉ tiêu rút ngắn thời gian thẩm định. Điển hình, qua thanh tra của cơ quan chức năng phát hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, phương án quy hoạch chợ tại xã Sam Mứn (huyện Điện Biên) nằm trên diện tích đất của nhiều hộ dân đang sinh sống và một số diện tích đất ruộng lúa 2 vụ; các điểm quy hoạch dân cư nông thôn, điểm văn hóa thôn bản trên đất chuyên trồng lúa nước tại một số xã như: Noong Hẹt, Thanh Luông (huyện Điện Biên) không phù hợp.

Bên cạnh đó, các công cụ giúp quản lý xây dựng nông thôn theo quy hoạch, như: Công bố quy hoạch, cắm mốc quy hoạch, quy định quản lý xây dựng theo quy hoạch được thực hiện rất hạn chế. Do đó nảy sinh nhiều khó khăn trong quản lý xây dựng theo quy hoạch, phát triển hạ tầng cơ sở ở nông thôn; nhiều vi phạm về đất đai như: lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp; tự ý chuyển mục đích sử dụng đất từ trồng lúa sang đất nông nghiệp khác; quản lý, sử dụng đất công ích không đúng quy định, kém hiệu quả; bất cập trong lựa chọn địa điểm xây dựng thiết chế văn hóa cho xã, thôn bản; khó khăn trong giải phóng mặt bằng khi triển khai các dự án mới...

Xã Phì Nhừ (huyện Điện Biên Đông) đã được công nhận đạt chuẩn tiêu chí về quy hoạch nông thôn mới. Tuy nhiên, thời gian qua trên địa bàn vẫn xảy ra tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất đai, người dân tự ý san ủi, lấp đất trái phép… Một trong những nguyên nhân là do hiện nay trên địa bàn xã mới chỉ có quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới, chưa có quy hoạch chi tiết. Trong khi đó, chưa có đội ngũ cán bộ quy hoạch chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, việc rà soát, điều chỉnh chưa được thực hiện thường xuyên; việc cắm mốc quy hoạch vẫn chưa được thực hiện do thiếu kinh phí.

Những hạn chế về chất lượng quy hoạch nông thôn đã dẫn đến tính liên kết vùng, liên kết các điểm dân cư trong địa bàn các xã còn yếu, thiếu đồng bộ trong phát triển hệ thống dân cư nông thôn; chưa thể hiện rõ tính đồng bộ trong phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, khớp nối cơ sở hạ tầng kỹ thuật đầu mối đối với hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn cấp xã; chưa thể hiện rõ tính đồng bộ trong phát triển các khu sản xuất và hệ thống cơ sở hạ tầng đầu mối phục vụ sản xuất; chưa hoạch định rõ hệ thống sản xuất nông nghiệp mang tính quy mô, áp dụng công nghệ cao…

Bài, ảnh: Quốc Huy
Bình luận

Tin khác

Back To Top