Đa dạng hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật

09:50 - Thứ Tư, 19/10/2022 Lượt xem: 7501 In bài viết

ĐBP - Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao ý thức tôn trọng, tuân thủ, chấp hành pháp luật của nhân dân và góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Cán bộ Bộ đội Biên phòng tỉnh kết hợp công tác khám chữa bệnh và tuyên truyền pháp luật cho người dân xã Pa Thơm, huyện Điện Biên.

Thời gian qua, tỉnh ta thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt, phù hợp với từng địa bàn, từng đối tượng. Trong đó tập trung vào những địa bàn đặc biệt khó khăn, các đối tượng đặc thù gắn với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Nhờ đó từng bước mang lại hiệu quả thiết thực, tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động của nhân dân trong quá trình thực thi các chính sách pháp luật.

Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thực hiện tuyên truyền phù hợp từng nhóm đối tượng và địa bàn, có trọng tâm trọng điểm, nội dung tập trung về: Các quyền dân sự; hôn nhân gia đình; bình đẳng giới; phòng chống bạo lực gia đình; phòng chống tội phạm, ma túy, mua bán người và tệ nạn xã hội; tranh chấp đất đai, khiếu kiện... Các hình thức tuyên truyền được đổi mới, đa dạng như mở các hội nghị tập huấn phổ biến các văn bản pháp luật mới; hội thảo, tọa đàm; tuyên truyền lưu động, qua hệ thống truyền thanh, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; tuyên truyền thông qua các trang mạng xã hội zalo, facebook, fanpage; tổ chức tuyên truyền, vận động đặc biệt đến từng hộ gia đình, cá nhân.

Xây dựng các mô hình phổ biến giáo dục pháp luật cũng là một trong các giải pháp phát huy hiệu quả. Đến nay một số mô hình mang lại hiệu quả thiết thực như: Mô hình “Ban thông tin truyền thông cấp xã” tại huyện Mường Ảng và huyện Điện Biên; mô hình “Mỗi ngày một câu hỏi, mỗi tuần một điều luật”, “Tháng, tuần điều lệnh”; “Phụ nữ tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc”; “Nâng cao nhận thức, giảm thiểu hôn nhân cận huyết thống”... Nổi bật là Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức tuyên truyền trên loa truyền thanh và chiếu băng đĩa hình tại các phiên chợ, lễ hội hoặc cụm dân cư, trường học khu vực biên giới. Đặc biệt trong phòng chống dịch Covid-19, từ đầu năm 2020 đến nay, các đồn biên phòng tỉnh đã triển khai có hiệu quả mô hình “Tiếng loa biên phòng” tuyên truyền lưu động về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 với 321 giờ, bằng 4 thứ tiếng (Mông, Thái, Hà Nhì và tiếng phổ thông).

Đối với đối tượng đặc thù trên địa bàn như: Người dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, người khuyết tật, người bị phạt tù được hưởng án treo, phạm nhân... được tỉnh chú trọng chỉ đạo thực hiện tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; tư vấn, trợ giúp pháp lý. Qua đó tạo sự chuyển biến tích cực về hành vi, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của các đối tượng đặc thù, từ đó đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của bản thân. Tại các địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự gắn với việc triển khai công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật được gắn với công tác “chuyển hóa địa bàn”.

Nhờ chủ động đổi mới các hình thức, công tác phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, tích cực. Toàn tỉnh đã kịp thời phổ biến, tuyên truyền các văn bản, quy định của Trung ương, của tỉnh trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Nội dung, hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đa dạng, phong phú, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin đã cơ bản đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ và nhân dân. Hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và người dân được nâng lên, góp phần tích cực giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Bài, ảnh: Thành Đạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top