Phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù

08:06 - Chủ Nhật, 06/11/2022 Lượt xem: 6629 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, Công an tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, với nhiều nội dung và hình thức phù hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho đối tượng đặc thù (đối tượng bị tạm giữ, tạm giam) trên địa bàn tỉnh. Qua đó, giúp các đối tượng này hiểu rõ các quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp, tuân thủ tốt các quy định.

Công an phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ triển khai các giải pháp PBGDPL đến các đối tượng đặc biệt trên địa bàn.

Tính đến tháng 9/2022, các đơn vị chức năng của Công an tỉnh đang tạm giữ, tạm giam 926 đối tượng. Trong đó Trại giam Công an tỉnh quản lý, giam giữ 168 đối tượng, trong đó có nhiều đối tượng đã bị tạm giam để đợi thi hành án tử hình từ nhiều năm. Việc quản lý số lượng đông, tính chất, mức độ phạm tội nguy hiểm, đa đạng đã gây không ít khó khăn trong việc triển khai thực hiện công tác quản lý nói chung và trong công tác tuyên truyền, vận động, PBGDPL nói riêng.

Xác định được tính chất của đối tượng trong diện tạm giữ, tạm giam là giai đoạn rất phức tạp về tâm lý, thái độ, vì vậy công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với các đối tượng này là đặc biệt quan trọng, tác động trực tiếp đến việc chấp hành pháp luật và việc hợp tác với các cơ quan chức năng trong quá trình giải quyết các vụ án, vụ việc. Để thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL cho các đối tượng này, Công an tỉnh đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ gắn với việc triển khai thực hiện các mặt công tác công an ở từng cấp, từng đơn vị, địa bàn, bảo đảm thiết thực, phù hợp với đối tượng và tình hình địa phương.

Trong 10 năm qua, các đơn vị chức năng Công an tỉnh đã tổ chức 1.540 buổi tuyên truyền, PBGDPL cho hơn 131.200 can, phạm nhân. Phối hợp với Hội Luật gia tỉnh tổ chức 9 lớp PBGDPL và trợ giúp pháp lý cho 556 lượt can, phạm nhân; phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tổ chức 6 lớp tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS cho 286 lượt can, phạm nhân; tổ chức hơn 260 lớp học tái hòa nhập cộng đồng cho 152 lượt phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù. Từ đó góp phần nâng cao khả năng nhận thức, hiểu biết pháp luật, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của người bị tạm giữ, tạm giam.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả việc PBGDPL cho các đối tượng này, Công an tỉnh đã chủ động cải tiến, đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, nội dung, chương trình phù hợp với từng đối tượng, thời điểm. Tuy nhiên vì đặc thù đây là đối tượng đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, vì vậy việc tuyên truyền chủ yếu giáo dục, vận động cá biệt. Trong đó, đặc biệt với các đối tượng là người dân tộc thiểu số sẽ tập trung vào chủ trương, chính sách trong việc bảo vệ quyền và nghĩa vụ của cá nhân, chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước. Đồng thời lồng ghép tuyên truyền những vấn đề định canh định cư, ổn định sản xuất, không nghe theo kẻ xấu; phát hiện tố giác những hành vi vi phạm quy định của pháp luật; tích cực lao động sản xuất, ổn định đời sống, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập để thoát nghèo bền vững. Phổ biến những quy định pháp luật gắn trực tiếp với cuộc sống của người dân tộc thiểu số về: Quản lý bảo vệ rừng, hôn nhân và gia đình, phòng chống ma túy, tín ngưỡng, tôn giáo...

Xác định nguồn nhân lực tham gia công tác PBGDPL rất quan trọng, vì vậy Công an tỉnh tập trung kiện toàn đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý đối tượng bị kết án tử hình; đồng thời bố trí cán bộ trực tiếp là người có kinh nghiệm, biết tiếng dân tộc, am hiểu văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, nắm chắc tình hình, diễn biến tư tưởng của can, phạm nhân; gắn công tác tuyên truyền với việc quan tâm giáo dục, động viên, thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách theo quy định để phạm nhân chấp hành tốt nội quy cơ sở giam giữ. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng trong việc điều tra, truy tố, xét xử; làm tốt công tác trợ giúp pháp lý, tạo điều kiện cho các đối tượng thực hiện các quyền của mình theo quy định pháp luật.

Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL đặc thù đã giúp các đối tượng có ý thức trách nhiệm với cộng đồng xã hội, gia đình; hạn chế tối đa tình trạng vi phạm nội quy, trốn, hoặc phạm tội mới. Bên cạnh đó, qua công tác PBGDPL nhiều đối tượng tam giữ, tạm giam đã viết đơn tố giác tội phạm, cung cấp nhiều thông tin quan trọng giúp cơ quan điều tra khai thác, mở rộng các vụ án hình sự, ma túy đặc biệt nghiêm trọng.

Bài, ảnh: Phong Vân
Bình luận

Tin khác

Back To Top