Bấp bênh kinh tế toàn cầu năm 2016

00:00 - Thứ Ba, 12/01/2016 Lượt xem: 1648 In bài viết
Năm 2015 khép lại với bức tranh kinh tế thế giới hỗn độn, đan xen những mảng màu sáng-tối như: kinh tế Mỹ khởi sắc, đà tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại, sự phục hồi ở Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) còn ì ạch… Theo nhận định của các chuyên gia, bước sang năm 2016, kinh tế toàn cầu sẽ vẫn bấp bênh và có sự phân hóa rõ rệt về mức tăng trưởng kinh tế giữa các nhóm nước.

Năm 2016 được dự báo là một năm nhiều khó khăn với nền kinh tế toàn cầu. Theo báo cáo tài chính của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), mức tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2016 vào khoảng 3,3%, thấp hơn mức 3,6% mà tổ chức này đưa ra trước đó; ngoài ra, một số khu vực có khả năng rơi vào giảm phát. Còn theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), mức tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2016 là 3,6%. IMF cho rằng, viễn cảnh trở lại thời kỳ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và đồng bộ vẫn còn rất xa vời. Trong khi đó, Liên hợp quốc lại kém lạc quan khi nhận định, triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2016 chỉ đạt 2,9%. Mức tăng trưởng khiêm tốn này được cho là do tác động của các “cơn gió ngược” trên toàn thế giới, nhất là tại thị trường các nền kinh tế mới nổi sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định nâng lãi suất vào tháng 12-2015.

Các nền kinh tế mới nổi đối mặt xu hướng tăng trưởng chậm lại trong năm 2016.

Đáng chú ý, OECD và các chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2016 sẽ là năm chứng kiến sự phân hóa về tăng trưởng kinh tế toàn cầu với hai xu hướng chính. Xu hướng thứ nhất là sự phục hồi của các nước phát triển với mức tăng trưởng trung bình khoảng 2% so với mức chỉ hơn 1% trong giai đoạn 2010-2014. Xu hướng thứ hai là sự giảm tốc mạnh ở các nền kinh tế mới nổi với mức tăng trưởng chậm lại, chỉ còn khoảng 2,4% so với mức trung bình 5% của giai đoạn 2010-2014.

Theo OECD, Mỹ vẫn duy trì đà phục hồi kinh tế tốt của năm 2015. Các chỉ số kinh tế gần đây của Mỹ đều rất khả quan. Trên thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp của “xứ cờ hoa” từ hơn 9,8% vào tháng 5-2009 giảm xuống còn 5% vào thời điểm hiện tại. Bức tranh kinh tế khởi sắc đã dẫn đến quyết định tăng lãi suất cơ bản lên 0,25% đến 0,5% của FED vào tháng 12-2015 và có thể tiếp tục có nhiều đợt tăng lãi suất trong năm 2016. OECD dự báo, tăng trưởng GDP của Mỹ năm 2016 đạt 2,5%.

Liên hiệp châu Âu (EU) và Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) được coi là đầu tàu của tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2016, bởi đây là khu vực duy nhất sở hữu tiềm năng tăng trưởng ổn định. Năm 2015, tăng trưởng kinh tế của Eurozone đạt trên 1%. Các thể chế tài chính lớn như Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và IMF nhận định, Eurozone sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn trong năm 2016. Tuy nhiên, kinh tế Eurozone sẽ còn đối mặt không ít khó khăn như: Hy Lạp, Pháp… vẫn phục hồi chậm sau khủng hoảng; các vấn đề an ninh, cuộc khủng hoảng di cư tác động tiêu cực đến nhiều nền kinh tế Eurozone.

Ở chiều ngược lại, triển vọng tăng trưởng trong năm 2016 của các nền kinh tế mới nổi lại được dự báo trở nên u ám hơn. Trong bối cảnh năng lực nội tại của khu vực yếu, tăng trưởng kinh tế suy giảm, việc FED nâng lãi suất có thể dẫn đến nguy cơ diễn ra một làn sóng rút vốn, thoái vốn từ các nước mới nổi về Mỹ. OECD dự báo, mức tăng trưởng ở các nền kinh tế mới nổi sẽ giảm mạnh, xuống còn 2,4% vào năm 2016.

Năm 2016 nhiều khả năng là một năm vô cùng ảm đạm với hai nền kinh tế BRICS là Nga và Bra-xin. OECD dự báo, “xứ sở bạch dương” tiếp tục đối mặt những khó khăn nghiêm trọng với mức tăng trưởng âm 4,4% trong năm 2016. Trong khi đó, Bra-xin có khả năng rơi vào giảm phát. Còn đối với Trung Quốc, tăng trưởng GDP của nước này được OECD dự báo sẽ vào khoảng 6,5% trong năm 2016. Nền kinh tế này sẽ phải đối mặt những vấn đề nan giải như: mức tăng trưởng có thể tiếp tục suy giảm, đồng Nhân dân tệ mất giá, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm sút, nợ xấu gia tăng… Ấn Độ được coi là một “điểm sáng” hiếm hoi trên bức tranh kinh tế u ám của các nền kinh tế mới nổi trong năm 2016. Hiện Ấn Độ đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng GDP trên 7% trong ba tháng liên tiếp, vượt nước láng giềng Trung Quốc và dẫn đầu trong số các thị trường mới nổi. IMF dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ dự kiến đạt 7,5% trong năm 2016.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang đối mặt những “cơn gió ngược”, triển vọng kinh tế toàn cầu bị che phủ bởi nhiều mối rủi ro, bất ổn, mỗi quốc gia cần xây dựng cho mình lộ trình riêng, có những chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ hợp lý để vượt qua năm 2016 với nhiều bấp bênh, biến động đang chờ đợi.

Theo Nhân dân
Bình luận
Back To Top