Tấn công Jakarta, IS tham vọng khuếch trương thanh thế

00:00 - Thứ Sáu, 15/01/2016 Lượt xem: 1838 In bài viết
Sau vụ Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tấn công khủng bố đẫm máu ở quận trung tâm thủ đô Jakarta, Indonesia ngày 14/1, nhiều người dân Indonesia, quốc gia có dân số theo đạo Hồi lớn nhất thế giới, đã nhanh chóng truyền đi những thông điệp WeAreNotAfraid (chúng tôi không sợ) trên mạng xã hội.

“Chúng tôi đang muốn nói với những tên khủng bố rằng, dù mục đích của chúng là gì, chúng sẽ không bao giờ đạt được”, ông Niar Nurdin, một người dân Jakarta khẳng định.

Một cô gái Indonesia gửi thông điệp: Cầu nguyện cho Jakarta.

Sau hàng loạt các vụ tấn công kinh hoàng ở Paris và Istanbul, vụ khủng bố ở Jakarta hôm qua đã làm dấy lên mối lo ngại rằng, IS đang mở rộng mạng lưới hoạt động và gia tăng tần suất tấn công khủng bố. Từ trước đến nay, IS gần như không hiện diện tại Đông Nam Á. Mặc dù hơn 80% dân số theo đạo Hồi, nhưng ước tính chỉ vài trăm người Indonesia gia nhập Nhà nước Hồi giáo tự xưng, một con số rất nhỏ so với các quốc gia châu Âu, nơi có hàng nghìn phần tử thề trung thành với IS.

Phó Giáo sư chuyên ngành nghiên cứu chính trị Max Abrahms tại Đại học Northeastern lo ngại về việc mạng lưới IS ngày càng mở rộng: “Tôi dự báo rằng IS sẽ tiếp tục mở rộng về mặt địa lý. Nguyên nhân đơn giản là tổ chức này đang bị tấn công mạnh mẽ tại căn cứ ở Iraq và Syria. Để tiếp tục sống còn, chúng sẽ tăng cường tuyển dụng thêm ngày càng nhiều phần tử mới”.

Trên thực tế, các nhà chức trách Indonesia cho biết đã nhận được những lời đe dọa về các vụ tấn công nhằm vào nước này, và vụ việc ngày hôm qua là trường hợp đầu tiên cảnh sát không thể phá vỡ một âm mưu lớn của IS.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, IS không dễ gây dựng mạng lưới tại Đông Nam Á nói chung và Indonesia nói riêng.

“IS không hấp dẫn đối với đại đa số người Hồi giáo ở Indonesia. Tại đây có nhiều tổ chức Hồi giáo tiến hành các chiến dịch chống IS”, ông Anton Alifandi, chuyên gia phân tích của Tổ chức nghiên cứu IHS nhận định.

Tổng thống Indonesia Widodo tại hiện trường vụ khủng bố ngày 14/1.

Nahdlatul Ulama (NU), một tổ chức Hồi giáo ở Indonesia với hơn 50 triệu thành viên là một trong những nhóm như vậy. NU đã đưa ra những thông điệp mạnh mẽ, cùng những video chống lại các chương trình tuyên truyền của IS.

Vụ tấn công ngày 14/1 đã khiến 7 người thiệt mạng, trong đó bao gồm 5 kẻ khủng bố và làm ít nhất 20 người bị thương. Vụ tấn công vừa qua xảy ra tại khu trung tâm thương mại, gần các chuỗi cửa hàng thương hiệu quốc tế như Starbucks và gần văn phòng Liên hợp quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, chưa chắc vụ tấn công có chủ ý nhằm vào người nước ngoài hay phá hoại công việc kinh doanh. Nhưng dù sao đi chăng nữa, vụ khủng bố sẽ khiến nền kinh tế Indonesia phải chịu thiệt hại.

Trong lịch sử, Indonesia từng chứng kiến các vụ tấn công khủng bố quy mô lớn, ví dụ như tại đảo Bali hồi năm 2002. Jakarta cũng là địa điểm xảy ra các vụ đánh bom khách sạn JW Marriott và Ritz-Carlton năm 2009 và vụ tấn công Đại sứ quán Australia năm 2004. Jemaah Islamiyah, một nhóm có liên quan tới al Qaeda đã nhận trách nhiệm về cả 3 vụ tấn công này.

Trong những năm gần đây, các nhà chức trách nước này phải đối mặt với các vụ tấn công với quy mô nhỏ hơn nhằm vào lực lượng cảnh sát. Cơ quan chống khủng bố Indonesa gần đây tuyên bố đã phá vỡ hàng loạt âm mưu khủng bố dịp Giáng sinh và đêm giao thừa.

“Đây là một quốc gia hòa bình”, ông Raffaello Pantucci, Trưởng ban nghiên cứu an ninh quốc tế tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh nói. “Nhưng nhiều khúc mắc vẫn còn tồn tại về vấn đề dân tộc thiểu số đã khiến IS lợi dụng để thổi bùng những mâu thuẫn”.

Ông Kevin O’Rourke, biên tập viên Tuần báo Reformasi cảnh báo: “Indonesia đã phải rất khó khăn để đảo ngược xu hướng suy giảm kinh tế trong suốt 5 năm qua. “Đây có thể là một tin xấu và khiến niềm tin của các nhà đầu tư vào Indonesia sụt giảm”.

Theo Hanoimoi
Bình luận
Back To Top