Lộ trình tiến tới hòa bình và ổn định ở Ai Cập

00:00 - Thứ Tư, 03/02/2016 Lượt xem: 2315 In bài viết
Sau thời gian dài bế tắc không thể tìm được ứng cử viên nào sáng giá cho vị trí người đứng đầu cơ quan lập pháp, Quốc hội mới của Ai Cập đã chính thức tìm được chủ nhân cho chiếc ghế này tại phiên họp đầu tiên sau hơn ba năm ngừng hoạt động. Đây là bước quan trọng nhằm hoàn tất tiến trình chuyển tiếp chính trị ở đất nước Kim tự tháp.

Ai Cập rơi vào tình trạng không có Quốc hội kể từ tháng 6-2012, sau khi Tòa án Hiến pháp tối cao ra lệnh giải tán cơ quan lập pháp được bầu hồi cuối năm 2011 và đầu năm 2012 với lý do vi phạm Hiến pháp. Cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên sau khi vị Tổng thống Hồi giáo M.Mo-xi bị lật đổ năm 2013, đã được tiến hành theo hai giai đoạn, bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 12-2015. Sau nhiều tháng thương lượng, Quốc hội mới Ai Cập đã chính thức bầu ông Áp-đen An, Giáo sư luật, 68 tuổi vào vị trí người đứng đầu cơ quan lập pháp. Ông đã đắc cử Nghị sĩ đại diện cho tỉnh Thượng Ai Cập trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua. Là thành viên liên minh Vì Tình yêu Ai Cập, ủng hộ Tổng thống A.Xi-xi, ông A.An cũng đã gia nhập liên minh Ủng hộ Nhà nước Ai Cập (PESC). Nhờ sự ủng hộ rộng rãi của liên minh Vì Tình yêu Ai Cập, chiếm đa số ghế trong Quốc hội, ông đã vượt qua sáu đối thủ khác để trở thành người đứng đầu Quốc hội gồm 596 ghế. Với việc bầu được người đứng đầu cơ quan lập pháp sau hơn ba năm để trống vị trí này, Quốc hội mới của Ai Cập đã vượt qua thách thức đầu tiên. Tại kỳ họp này, Quốc hội Ai Cập sẽ phải xem xét thông qua một loạt luật và sắc lệnh được ban hành trong thời gian đất nước Kim tự tháp thiếu vắng cơ quan lập pháp.

Quốc hội mới của Ai Cập họp phiên khai mạc.

Bầu cử Quốc hội là giai đoạn thứ ba và cũng là chặng cuối của lộ trình chuyển tiếp chính trị tại Ai Cập sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống M.Mo-xi hồi tháng 7-2013. Sau khi hoàn tất tiến trình này, Ai Cập sẽ tập trung vào việc ổn định chính trị, cải thiện tình hình an ninh và khôi phục các hoạt động phát triển kinh tế. Thách thức lớn nhất của quốc gia Bắc Phi hiện nay là phải đối mặt mối đe dọa bạo lực do các phần tử cực đoan gây ra. Tình hình bất ổn ở Bán đảo Xi-nai buộc Tổng thống Ai Cập A.Xi-xi mới đây phải công bố quyết định kéo dài thêm tình trạng khẩn cấp tại một số khu vực thuộc tỉnh Bắc Xi-nai. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện loạt vụ tiến công nhỏ lẻ nhằm vào các du khách diễn ra tại nhiều địa điểm du lịch như thành phố Hu-gan-đa và tỉnh Gi-da, làm dấy lên những lo ngại về an ninh trên cả nước. Các lực lượng an ninh Ai Cập tăng cường các chiến dịch truy kích khủng bố ở khu vực Bắc Xi-nai. Kể từ khi Tổng thống M.Mo-xi bị lật đổ hồi năm 2013, lực lượng an ninh Ai Cập thường xuyên thực hiện các vụ tiến công nhằm vào tổ chức An-xa Bay An Ma-đi, hiện đổi tên thành Nhà nước Xi-nai và thề trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Năm ngoái, quân đội Ai Cập đã mở chiến dịch "Quyền tử vì đạo" với hai giai đoạn là truy quét các phần tử khủng bố và triển khai các dự án phát triển, tái thiết. Đây được coi là hoạt động quân sự lớn nhất và toàn diện nhất nhằm tiêu diệt tận gốc các chiến binh cực đoan ở Bắc Xi-nai, kể từ khi các phần tử thánh chiến triển khai các cuộc tiến công lớn nhằm vào lực lượng an ninh Ai Cập làm hàng trăm cảnh sát và binh sĩ thiệt mạng.

Chính phủ Ai Cập tăng cường các biện pháp an ninh nhằm thu hút trở lại khách du lịch tới đất nước Kim tự tháp. Du lịch đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Ai Cập, đem lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể, đóng góp khoảng 13% tăng trưởng GDP của nước này. Trong năm 2015, Ai Cập đã đón khoảng chín triệu du khách nước ngoài, thấp hơn nhiều so con số 17 triệu lượt khách dự kiến trước đó. Ai Cập đã thất thu khoảng 250 triệu USD/tháng, trong bối cảnh nguy cơ khủng bố đang gây tổn hại nghiêm trọng ngành du lịch. Cùng với các nỗ lực ổn định tình hình của chính phủ, Bộ Du lịch Ai Cập bắt đầu triển khai chiến dịch thúc đẩy quảng bá tới các thị trường quốc tế nhằm vực dậy ngành công nghiệp không khói. Doanh thu từ du lịch của Ai Cập trong tài khóa kết thúc cuối tháng 6-2015 đã tăng hơn 40% so tài khóa trước đó, lên 7,4 tỷ USD, song vẫn thấp hơn nhiều so mức 12,5 tỷ USD đạt được vào năm 2010, thời điểm trước khi diễn ra cuộc chính biến của “Mùa xuân A-rập”.

Sau hàng loạt các biến cố kéo theo bất ổn an ninh xảy ra trong suốt năm năm qua, Ai Cập đang từng bước tiến tới ổn định chính trị, phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, để đưa Ai Cập trở lại quỹ đạo phát triển, quốc gia Bắc Phi này còn phải đối mặt nhiều khó khăn, trong đó có thách thức chung của khu vực là vấn đề chống khủng bố.

Theo Nhân dân
Bình luận
Back To Top