Đông - Bắc Á đối phó đà suy giảm kinh tế

00:00 - Thứ Tư, 24/02/2016 Lượt xem: 1842 In bài viết
Thời gian qua, tăng trưởng kinh tế của ba quốc gia Đông - Bắc Á, gồm: Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sụt giảm mạnh. Hiện cả ba nước trên đều ưu tiên tập trung sức vực dậy kinh tế, song đà tăng trưởng khó đạt sự bứt phá trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn ảm đạm và chứa đựng không ít rủi ro.

Năm 2015, tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc chỉ đạt 2,6%, thấp hơn mức 3,3% của năm 2014 và là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2012. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) hôm 16-2 quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 1,5% tháng thứ tám liên tiếp do kinh tế vẫn tăng trưởng chậm, đáng chú ý là ngành xuất khẩu, động lực chính của nền kinh tế nước này, giảm mạnh. Tháng 1 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 36,7 tỷ USD, giảm 18,5% so 45,1 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái, là tháng thứ 13 liên tiếp xuất khẩu sụt giảm và cũng là mức sụt giảm lớn nhất kể từ tháng 8-2009. Giới chức Hàn Quốc cho rằng, tình trạng kinh tế toàn cầu sụt giảm, nền kinh tế Trung Quốc chững lại và giá dầu thô thế giới lao dốc là những nguyên nhân gây tình trạng trên. Tốc độ tăng giá tiêu dùng cũng ở mức thấp nhất trong ba tháng vừa qua, khi chỉ tăng 0,8% so cùng kỳ năm trước.

Sức mua của người tiêu dùng Nhật Bản vẫn thấp.

Để tăng cường xuất khẩu trong thời gian tới, Bộ Tài chính Hàn Quốc dự định tập trung nỗ lực thăm dò các thị trường chưa được khai thác ở nước ngoài như I-ran và Cu-ba; củng cố quan hệ ngoại giao với các nước phương Tây nhằm tiếp tục khai phá các thị trường lớn cho xuất khẩu, đồng thời nỗ lực đạt được thỏa thuận thương mại với các đối tác của Hàn Quốc tại Mỹ la-tinh và Trung Á, cũng như tận dụng lợi thế mà các hiệp định thương mại tự do đã ký với các nước đem lại.

Tại Nhật Bản, nền kinh tế cũng đang đứng trước một giai đoạn khó khăn. Tăng trưởng kinh tế của nước này giảm 1,4% trong quý IV- 2015, đưa mức tăng GDP tính chung cả năm 2015 chỉ tăng 0,4% so năm 2014. Tiêu dùng nội địa đóng góp một nửa tổng giá trị GDP của Nhật Bản và sự suy yếu của thị trường trong nước vẫn là nguyên nhân lớn nhất làm cho nền kinh tế lớn thứ hai châu Á và thứ ba thế giới này trì trệ trong thời gian dài. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) mới đây cũng quyết định áp dụng chính sách lãi suất âm lần đầu trong nỗ lực chống giảm phát. Đây là một biện pháp nhằm thúc đẩy cho vay và hỗ trợ hoạt động kinh tế.

Bộ trưởng Tài chính T.A-xô cho rằng, chính sách mới sẽ tác động tích cực tới tiêu dùng và đầu tư, đem lại những thay đổi trong cách quản lý quỹ, vốn đang theo một chiều là tiền gửi và tiết kiệm, sang hướng sử dụng tiền để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính phủ do Thủ tướng S.A-bê đứng đầu tuyên bố quyết tâm thực hiện ba mũi tên trong chính sách kinh tế Abenomics giai đoạn hai, gồm: Nâng GDP lên khoảng 5.000 tỷ USD; nâng tỷ lệ sinh lên 1,8% và xóa bỏ hoàn toàn tình trạng người lao động phải nghỉ việc để chăm sóc người thân cao tuổi.

Trong khi đó, nền kinh tế lớn nhất châu Á và lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc cũng có tín hiệu kém khả quan. Là động lực lớn của tăng trưởng kinh tế toàn cầu những năm gần đây, nhưng kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn giảm tốc kéo dài, do xuất khẩu yếu, tình trạng dư thừa công suất, thị trường bất động sản trầm lắng, nợ cao, đầu tư chậm lại… Tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2015 đạt 6,9%, thấp hơn mức 7,3% của năm 2014 và là mức thấp nhất trong 25 năm qua.

Trong tháng 12-2015, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc đạt khoảng 12,23 tỷ USD, giảm 5,8% so cùng kỳ năm 2014. Đây là lần đầu FDI vào Trung Quốc giảm trong nhiều tháng qua. Thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc và đồng nhân dân tệ (NDT) giảm giá mạnh thời gian qua, khiến không ít nhà đầu tư quốc tế lo ngại. Theo Tổng cục Thống kê quốc gia (NBS) Trung Quốc, quá trình chuyển đổi cấu trúc nền kinh tế của nước này vẫn đang diễn ra và cho đây là giai đoạn rất quan trọng, với nhiều thách thức cần vượt qua và nhiều vấn đề cần được giải quyết, trong khi nhiệm vụ cải cách sâu rộng vẫn rất nặng nề.

Hiện cả ba quốc gia Đông - Bắc Á tiếp tục đưa ra nhiều biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế, nhằm sớm lấy lại đà tăng trưởng GDP khả quan hơn trong năm 2016. Tuy nhiên, nhiệm vụ này còn gặp nhiều khó khăn do tình trạng ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu, giá dầu mỏ thế giới lao dốc…

Theo Nhân dân
Bình luận
Back To Top