Thách thức cuộc đua bầu cử sớm Tổng thống Hàn Quốc

14:07 - Thứ Hai, 13/03/2017 Lượt xem: 4998 In bài viết
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã bị phế truất ngày 10-3 vì vụ bê bối tham nhũng trước khi bà kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 2-2018. Sau phán quyết của Tòa án Hiến pháp, một tổng thống mới phải được bầu trong vòng 60 ngày, chậm nhất là vào ngày 9-5. Cuộc đua sớm vào vị trí lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á đã bắt đầu với nhiều thách thức đối mặt các ứng cử viên.

Đua bầu cử sớm

Cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào thời điểm Hàn Quốc đang khó khăn với chia rẽ chính trị do vụ bê bối tham nhũng liên quan bà Park. Các ứng cử viên phải đối mặt nhiều thách thức, gồm mối đe dọa gia tăng từ CHDCND Triều Tiên, sự trả đũa của Trung Quốc với Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) được Seoul triển khai, nền kinh tế Hàn Quốc chậm lại, áp lực cải tổ các tập đoàn gia đình (chaebol) vốn đóng vai trò trung tâm trong vụ bê bối tham nhũng dẫn đến bà Park bị phế truất.

 

Từ trái: cựu lãnh đạo của đảng Dân chủ Moon Jae-in, Thủ tướng kiêm Quyền Tổng thống Hwang Kyo-ahn và Thống đốc tỉnh Nam Chungcheong Ahn Hee-jung.

Vụ bê bối tham nhũng nhấn chìm phe bảo thủ đã làm tăng lợi thế dẫn đầu cho cựu Chủ tịch đảng Dân chủ đối lập chính Moon Jae-in của phe tự do, người đã thua bà Park trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012. Ông Moon được xem là đại diện của cựu Tổng thống Roh Moo-hyun, từng là trợ lý cấp cao của cựu tổng thống, biểu tượng của phe tự do này. Liên tục trong 10 tuần trước ngày tòa án phán quyết phế truất bà Park, ông Moon đã dẫn đầu tỷ lệ ủng hộ trong các cuộc thăm dò. Kết quả thăm dò mới nhất của Realmeter cho thấy, tỷ lệ ủng hộ ông Moon là 36,1%, dẫn hơn 20 điểm so với các đối thủ chính, gồm Thủ tướng kiêm Quyền Tổng thống Hwang Kyo-ahn của phe bảo thủ được 14,2% và Thống đốc tỉnh Nam Chungcheong Ahn Hee-jung của phe tự do được 12,9%. Một số nhân vật chính như Thị trưởng Seoul Park Won-soon, Thị trưởng Seongnam Lee Jae-myung và Thống đốc tỉnh Nam Chungcheong Ahn He-jung, từng được xem là đối thủ tiềm năng của ông Moon, nhưng không gây ấn tượng lớn. Nghị sĩ Ahn Cheol-soo từng là một đối thủ tiềm năng của ông Moon khi rời Đảng Dân chủ thành lập Đảng Nhân dân, nhưng cũng nhanh chóng lu mờ.

Theo các chuyên gia, 60 ngày quá ít cho các chính trị gia bảo thủ hồi phục sau vụ bê bối tham nhũng và làm mới hình ảnh bị hoen ố của họ. Cho đến nay, phe bảo thủ không có đối thủ đáng kể so với ông Moon vì cựu Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon đã rời cuộc đua hồi tháng 2, thể hiện sự thất vọng với các phe phái chính trị đối lập của đất nước. Với sự vắng mặt của ông Ban, Thủ tướng kiêm Quyền Tổng thống Hwang đã nổi lên là một đại diện tiềm năng của phe bảo thủ, nhưng cựu Bộ trưởng Tư pháp từng là công tố viên vẫn chưa xác nhận tranh cử. Một số ý kiến cho rằng ông Hwang sẽ không tranh cử vì là nhân vật số 2 trong chính phủ Park và ông chia sẻ trách nhiệm với tổng thống về vụ bê bối tham nhũng. Nếu tranh cử, ông Hwang phải từ chức 30 ngày trước ngày bầu cử. Các ứng cử viên sẽ đăng ký chính thức 24 ngày trước ngày bầu cử.

Các nghị sĩ Đảng Saenuri cầm quyền, bây giờ là Đảng Hàn Quốc Tự do, đã chia thành 2 nhóm trung thành và phản đối bà Park trước khi 30 nghị sĩ tách ra thành lập Đảng Bareun. Cả hai Đảng Hàn Quốc Tự do và Bareun đều thừa nhận rằng phe bảo thủ sẽ đoàn kết lại để có ít nhất một cơ hội chống phe tự do sau phán quyết của tòa, nhưng triển vọng vẫn chưa rõ ràng.

Cho đến nay, chưa có nhân vật bảo thủ nào, trừ Thủ tướng kiêm Quyền Tổng thống Hwang, đạt tỷ lệ ủng hộ đáng kể trong các cuộc thăm dò, dù một số nhân vật đã chính thức công bố tham vọng tranh cử. Thống đốc tỉnh Nam Gyeongsang Hong Joon-pyo thuộc Đảng Hàn Quốc Tự do cầm quyền và Nghị sĩ Yoo Seong-min thuộc Đảng Bareun đã đạt tỷ lệ ủng hộ chỉ 3,3% và 3,2%. Việc ông Yoo rời đảng cầm quyền bị một số cử tri bảo thủ xem là hành động trốn tránh trách nhiệm, làm giảm tiềm năng của ông trở thành một ứng cử viên tổng thống. Shin Yul, Giáo sư Đại học Myongji, cho biết: “Rất có thể Đảng Hàn Quốc Tự do cầm quyền và Đảng Bareun sẽ không liên minh đề cử ứng cử viên duy nhất”.

Mặt khác, theo các nhà quan sát, sau khi bà Park bị phế truất, các cử tri bảo thủ có thể đoàn kết lại để tìm kiếm một thay đổi kịch tính. Kim Hyung-joon, Giáo sư Đại học Myongji, dẫn các kết quả thăm dò cho thấy, chỉ có 20% số người trả lời thăm dò là cử tri bảo thủ, nhưng tỷ lệ sẽ cao hơn khi cuộc đua tổng thống thực sự bắt đầu. Các chuyên gia khác cho rằng, liên minh các đảng bảo thủ sẽ không đủ mạnh để tạo thay đổi lớn trong cuộc đua tổng thống. Yu Yong-wha, Giáo sư chính trị tại Đại học Dongguk cho biết: “Phán quyết của tòa án có thể xem là một dấu chấm hết cho Đảng Hàn Quốc Tự do cũng như nhóm ủng hộ bà Park. Nhưng cũng chưa thể nói ông Moon là ứng cử viên chính trong cuộc đua. Tình thế có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Phải đợi đến cuối tháng 3 này”.

Những tranh luận nóng

Hàn Quốc đang đối mặt các nguy cơ ngày càng tăng từ Triều Tiên, nên an ninh quốc gia sẽ là một trong những chủ đề tranh cử nổi bật và là yếu tố ảnh hưởng kết quả bầu cử.

Hiện tại, một trong những tranh luận nóng nhất liên quan hệ thống THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc, đã bắt đầu được triển khai từ ngày 6-2. Trong khi Đảng Hàn Quốc Tự do cầm quyền và Thủ tướng kiêm Quyền Tổng thống muốn triển khai THAAD để tăng cường khả năng phòng thủ trước các nguy cơ gia tăng từ Triều Tiên, hầu hết ứng cử viên phe tự do đều phản đối, dẫn mối quan hệ với Trung Quốc, đối tác thương mại số 1 của Hàn Quốc. Bắc Kinh đã luôn phản đối THAAD là một mối đe dọa an ninh và đã có nhiều biện pháp trả đũa kinh tế với Seoul, gồm cấm các hãng du lịch bán tour Hàn Quốc. Do đó, cử tri sẽ chú ý giải pháp mỗi ứng cử viên đưa ra để giải quyết căng thẳng với Bình Nhưỡng và tranh cãi ngoại giao với Bắc Kinh.

Các ứng cử viên cũng tham gia cuộc tranh luận gay gắt về đề xuất sửa đổi Hiến pháp, vốn từ lâu bị chỉ trích vì đã trao quyền quá mức cho tổng thống. Trong khi Đảng Hàn Quốc Tự do, Đảng Nhân dân và Đảng Bareun tìm cách sửa đổi Hiến pháp trước cuộc bầu cử tổng thống, ông Moon tuyên bố việc đó nên tiến hành dưới thời chính phủ mới. Một trong những lựa chọn được đề xuất bởi những người ủng hộ sửa đổi Hiến pháp là thay đổi thời gian nắm quyền tổng thống từ nhiệm kỳ duy nhất 5 năm hiện nay thành nhiệm kỳ 4 năm và cho phép tái cử. Theo các chuyên gia, cách cử tri phản ứng với quan điểm của mỗi ứng cử viên về việc sửa đổi Hiến pháp sẽ có vai trò chính trong việc xác định người chiến thắng cuộc đua tổng thống.

Vấn đề cải tổ các chaebol, vốn đóng vai trò trung tâm trong vụ bê bối tham nhũng dẫn đến bà Park bị phế truất, ngày càng nóng trong xã hội Hàn Quốc. Hàng triệu cử tri phản đối bà Park hy vọng vụ bê bối tham nhũng này sẽ đóng vai trò chất xúc tác cải tổ nhằm kìm hãm ảnh hưởng chính trị của các chaebol.

Phán quyết phế truất bà Park vào thời điểm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tiến bộ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã gây thêm lo lắng khi nước này phóng 4 tên lửa đạn đạo vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) Nhật Bản ngày 6-3. Bà Park đã có kế hoạch cứng rắn chống chương trình hạt nhân của Triều Tiên, trái ngược với một số người tiền nhiệm. Bà Park cũng đã tạo dựng quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc, nhưng mối quan hệ đã căng thẳng sau khi Seoul chấp thuận triển khai THAAD. Ông Moon, người dẫn đầu các ứng cử viên chạy đua tổng thống, có thể hưởng lợi lớn nhất, khi đã kêu gọi phải “xem xét lại” THAAD và muốn tìm kiếm đối thoại với Bình Nhưỡng.

Dù ứng cử viên nào chiến thắng, các ưu tiên sẽ là mang lại sự ổn định chính trường Hàn Quốc và bắt đầu một sứ mệnh khó khăn đoàn kết một đất nước bị chia rẽ cay đắng bởi vụ bê bối tham nhũng liên quan cựu Tổng thống Park.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top