Thông điệp từ Hội nghị Thượng đỉnh Y tế thế giới năm 2020:

Cùng đoàn kết toàn cầu trước đại dịch Covid-19

11:00 - Thứ Tư, 28/10/2020 Lượt xem: 5521 In bài viết

Với tốc độ lây lan chóng mặt của đại dịch Covid-19 sau hơn 10 tháng bùng phát, Hội nghị Thượng đỉnh Y tế thế giới - một trong những sự kiện hàng đầu mang ý nghĩa chiến lược đối với chăm sóc sức khỏe cũng không nằm ngoài nội dung trọng tâm là thảo luận các biện pháp đưa nhân loại thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay, trong đó giải pháp bao trùm chính là đoàn kết toàn cầu trước đại dịch.

Vật dụng y tế của WHO trao tặng cho Nam Sudan được vận chuyển đến sân bay quốc tế Juba.

Sáng kiến tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Y tế thế giới được thực hiện từ năm 2009 nhân kỷ niệm 300 năm thành lập Bệnh viện Charite ở thủ đô Berlin (Đức) và được lãnh đạo Đức, Pháp, Ủy ban châu Âu (EC) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bảo trợ. Trong ba ngày từ 25 đến 27-10, hàng trăm đại biểu cùng nhau họp bàn để tìm ra giải pháp cho thách thức y tế toàn cầu và thiết lập chương trình nghị sự cho tương lai.

Thay vì tổ chức tại Berlin theo thông lệ, hội nghị năm nay buộc phải diễn ra theo hình thức trực tuyến do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Nước chủ nhà Đức cùng nhiều quốc gia châu Âu đang phải vật lộn với làn sóng lây nhiễm thứ hai khi số ca nhiễm mới mỗi ngày có xu hướng tăng theo cấp số nhân. Một số quốc gia tại châu Á và châu Mỹ cũng chứng kiến sự tăng lên nhanh chóng của các trường hợp dương tính mới trong bối cảnh các chính phủ nỗ lực mở cửa lại nền kinh tế và hạn chế áp đặt biện pháp phong tỏa trên diện rộng.

Trong thông điệp gửi tới hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đánh giá, đại dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng lớn nhất trong thời đại của chúng ta. Trong vòng 7 tháng kể từ khi đại dịch được công bố, hơn 1 triệu người trên toàn cầu đã tử vong và hàng chục triệu người đã nhiễm bệnh. Bắc bán cầu tiếp tục là điểm nóng khi các đợt bùng phát mới xuất hiện ngay tại những nơi từng được coi là đã kiểm soát thành công sự lây lan trong nhiều tháng. Bức tranh dịch bệnh không mấy sáng sủa bởi tác động trực tiếp và gián tiếp của nó đang tàn phá các xã hội và nền kinh tế. Quan chức Liên hợp quốc nhận định, Covid-19 khiến chúng ta đi chệch hướng hơn nữa trong quá trình đạt được tầm nhìn và cam kết của Chương trình nghị sự năm 2030 về phát triển bền vững.

Trước thực tế đương đầu và những tổn thất to lớn do Covid-19, Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã rút ra 4 bài học từ cuộc khủng hoảng hiện nay: Thứ nhất, chúng ta không có sự chuẩn bị cho đại dịch; thứ hai, chúng ta có thể ứng phó và vượt qua đại dịch nếu làm theo hướng dẫn khoa học, thể hiện sự đoàn kết và thống nhất; thứ ba, cần có sự đoàn kết toàn cầu trên mỗi bước đi vượt qua dịch bệnh; thứ tư, tin giả và thông tin sai lệch là đồng minh của vi rút SARS-CoV-2. Có thể thấy rõ, đoàn kết và hợp tác toàn cầu vẫn là thông điệp được nhấn mạnh và đặt lên hàng đầu trong nỗ lực chiến thắng đại dịch.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho rằng, người dân cần được chăm sóc sức khỏe thông qua hợp tác chứ không phải cạnh tranh y tế toàn cầu. Trong khi đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cùng các nhà lãnh đạo cũng tiếp tục kêu gọi đoàn kết trong phân phối vắc xin ngừa Covid-19 bởi vắc xin, xét nghiệm và các phương pháp điều trị không chỉ là chiếc phao cứu sinh mà còn là lá chắn bảo vệ nền kinh tế và xã hội.

Bên cạnh nội dung xuyên suốt là nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng Covid-19, các vấn đề dài hạn khác liên quan đến y tế được đưa ra tại hội nghị, như các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc hay biến đổi khí hậu cũng đều đòi hỏi sự hợp tác liên ngành, xuyên biên giới mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Lời kêu gọi đoàn kết đã được Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier khẳng định ngay trong phát biểu khai mạc: "Không ai an toàn trước Covid-19 cho đến khi tất cả chúng ta đều an toàn".

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top