Đàm phán Armenia - Azerbaijan: Hướng tới thỏa thuận hòa bình toàn diện?

08:45 - Thứ Hai, 22/05/2023 Lượt xem: 4346 In bài viết

Căng thẳng kéo dài giữa Armenia và Azerbaijan liên quan tới khu vực Nagorny - Karabakh đang có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Dưới tác động của những chuyến ngoại giao con thoi, các bên trung gian, hai bên liên tục có các cuộc đàm phán thẳng thắn, cởi mở để thu hẹp bất đồng, tiến tới một thỏa thuận hòa bình toàn diện và ổn định lâu dài của khu vực Nam Caucasus.

Đàm phán giữa Armenia và Azerbaijan được tổ chức tại Nga ngày 19-5.

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Nga ngày 20-5, Armenia và Azerbaijan sắp đạt được thỏa thuận về việc Baku chấm dứt phong tỏa tuyến đường bộ duy nhất dẫn đến khu vực Nagorny - Karabakh. Azerbaijan đã xây dựng một trạm kiểm soát ở đầu con đường này vào cuối tháng 4-2023, hành động mà nước này cho là cần thiết, có thể phòng ngừa Armenia sử dụng con đường để vận chuyển vũ khí.

Trong khi đó, Armenia cho rằng, việc lập trạm kiểm soát tại cầu Hakari trên hành lang Lachin là hành vi vi phạm trắng trợn thỏa thuận ngừng bắn, giúp chấm dứt xung đột nổ ra giữa hai bên năm 2020. Theo Yerevan, con đường duy nhất nối Armenia với Nagorny - Karabakh phải nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga.

Việc Armenia và Azerbaijan đạt được những thống nhất cơ bản để giải quyết mâu thuẫn liên quan tới tuyến đường nối Armenia với Nagorny - Karabakh là kết quả cuộc đàm phán cấp bộ trưởng ngoại giao được tổ chức tại thủ đô Mátxcơva ngày 19-5 vừa qua, do Nga làm trung gian. Đây là động thái tích cực để hai bên tiến hành các cuộc đàm phán sâu rộng hơn.

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov, chính các nhà lãnh đạo Armenia và Azerbaijan cũng xác nhận, nếu không có tiến triển trong việc giải quyết các tranh chấp về biên giới và liên kết giao thông, cũng như cải thiện tình hình an ninh trong và xung quanh khu vực Nagorny - Karabakh, rất khó để tiến tới các khía cạnh cụ thể của hiệp ước hòa bình. Trong vai trò trung gian, ngoài việc chủ trì các cuộc đàm phán, thời gian qua, Nga cũng nỗ lực giải quyết tình hình xung quanh hành lang Lachin thông qua lực lượng gìn giữ hòa bình và ở cấp độ chính trị nhằm đưa các bên về đúng lộ trình đã vạch ra trong thỏa thuận ba bên ngày 9-11-2020.

Cuộc gặp Armenia và Azerbaijan tại Nga được tổ chức ngay sau khi hai nước nối lại các cuộc đàm phán hòa bình tại trụ sở Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels (Bỉ) theo sáng kiến của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel. Theo đánh giá của các nhà lãnh đạo châu Âu, cuộc đàm phán có sự tham dự trực tiếp của Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đạt được tiến triển rõ ràng về việc dỡ bỏ rào cản đối với các liên kết kinh tế và giao thông trong khu vực. Về các vấn đề biên giới, hai bên đã nhất trí nối lại các cuộc gặp song phương để giải quyết tranh chấp và xem xét tiến độ cũng như các bước tiếp theo liên quan tới phân định đường biên giới.

Các nhà quan sát cho rằng, hiện tại, cả Armenia và Azerbaijan đều có thiện chí đàm phán nhưng cũng kiên định bảo vệ lợi ích của mình. Thậm chí, xung đột giữa hai bên liên quan khu vực tranh chấp Nagorny - Karabakh thường xuyên tái bùng phát. Những lần hai bên nổ súng qua lại thời gian qua, tuy không phải quy mô lớn, nhưng cũng cho thấy hòa bình thực chất rất dễ đổ vỡ vì các diễn biến nhỏ. Chính vì vậy, việc duy trì các cuộc đàm phán có ý nghĩa quan trọng và kết quả đạt được cần được các bên duy trì như một động lực để hướng đến thỏa thuận hòa bình cuối cùng.

Cuộc gặp tiếp theo giữa hai nhà lãnh đạo Armenia và Azerbaijan được lên kế hoạch vào ngày 1-6 tới tại Moldova, trong đó có sự tham gia của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Các nhà bình luận nhận định, với diễn biến tích cực của các bên liên quan, chưa có khi nào trong vòng 30 năm qua, hòa bình lại đến gần Azerbaijan và Armenia đến vậy. Tuy nhiên, để đạt được kết quả đột phá, hai bên cần tiếp tục chia sẻ thiện chí chung một cách mạnh mẽ thông qua các hành động thiết thực.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top